Môi giới và góc khuất mang tên "hoa hồng"

18/07/2017 - 03:23
|

(ĐTCK) Khảo sát thực tế của Đầu tư Bất động sản cho thấy, hầu hết các dịch vụ môi giới mua bán hoặc cho thuê nhà đất nhỏ lẻ hiện nay trên thị trường bất động sản đều không ký hợp đồng môi giới trước mà chỉ thỏa thuận phí hoa hồng bằng miệng.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng ghi nhận tại một số sàn phân phối, phí môi giới sẽ nhỏ hơn 5% giá trị bất động sản (với các bất động sản có giá trị dưới 2 tỷ đồng là khoảng 2%; với các bất động sản có giá trị trên 2 tỷ đồng là khoảng 1%).

Đây là con số phần trăm trên giá trị hợp đồng mà người bán nhà, chủ dự án chi trả cho nhân viên - công ty môi giới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia độc lập, con số này cũng chỉ mang tính tương đối và thực tế vẫn bị thả nổi không ai kiểm soát. Ở nhiều dự án "hot", các sàn môi giới vẫn tùy ý quyết định mức phí môi giới khác nhau, dẫn đến khi có vấn đề phát sinh, cả chủ đầu tư và khách hàng đều phải chịu bất lợi.

Thực tế cho thấy, mức phí hoa hồng cao đang tạo sức hút đối với  một lượng lớn người lao động gia nhập đội quân môi giới nhà đất. Tất nhiên, không thể phủ nhận đa phần các sàn môi giới đều hướng tới hoạt động bài bản, uy tín, nhưng do đội ngũ nhân sự mở rộng quá nhanh, một số sàn chấp nhận “thả nổi” hoạt động của nhân viên môi giới.

“Làm môi giới rất phức tạp, khó kiểm soát và nhiều khi phải chịu trận từ cả chủ đầu tư và khách hàng nên tôi đang giảm dần hoạt động môi giới, chuyển sang đầu tư cho lành”, chủ tịch một sàn môi giới lớn chia sẻ với phóng viên Đầu tư Bất động sản.

Do phạm vi hoạt động của môi giới kéo dài từ các dự án mở bán đến những căn hộ, nhà đất chuyển nhượng lại trực tiếp từ chủ nhà, người mua sẽ phải chấp nhận hoặc chi trả để mua được căn hộ ở dự án phù hợp, hoặc phải trả phí chuyển nhượng cao hơn thỏa thuận. Trong cả 2 trường hợp, nhiều môi giới vì mục tiêu lợi nhuận sẽ sẵn sàng móc nối với "cò" và ép người mua nhà phải trả thêm phí hoa hồng nếu muốn mua đúng căn ưng ý.

Phóng viên Đầu tư Bất động sản từng phản ánh tại một số dự án, môi giới phối hợp cùng "cò" săn dự án căn hộ chung cư ngay từ khi mở bán để bỏ tiền giữ chỗ đặt căn ghim hàng, các "cò" đất sẽ tạo sốt ảo, qua đó thổi giá căn hộ để ăn chênh lệch, nếu sang tay ngay ăn chênh lệch, ít thì cũng 50 - 100 triệu đồng, nhiều thì lên đến 200 - 300 triệu đồng. Trong khi đó, dù đã nhận tiền chênh từ bán thông qua màn kịch giới thiệu người mua, người bán, các "cò" vẫn "cắt" phí giao dịch của khách hàng.

Những trường hợp nêu trên đều vượt ngoài tầm quản lý của chủ đầu tư, bởi đó là những thỏa thuận riêng biệt giữa chủ nhà và môi giới dẫn đến tình trạng, dù muốn bảo vệ khách mua nhà, chủ đầu tư cũng khó can thiệp.

Do đó, bên cạnh việc các sàn cần quản lý chặt hơn nhân viên của mình, nên chăng cơ quan quản lý hoặc hội nghề nghiệp cũng cần sớm có bộ quy tắc cũng như những chế tài cụ thể về những việc mà môi giới được và không được làm để minh bạch hóa hoạt động rất quan trọng này trên thị trường.

Theo Báo Đầu tư Bất động sản