"Một lần đóng thuế thu nhập cá nhân, muôn đời không mua được nhà ở xã hội"
Đây là khẳng định của ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM tại Hội thảo: "Một triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" diễn ra sáng ngày 28/6.
Để triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, chia sẻ tại Hội thảo sáng nay, lãnh đạo Sở xây dựng TP.HCM cho biết, Thành phố đã tập trung thực hiện các công tác bổ sung dự án xây nhà ở xã hội; rà soát quy trình, rút ngắn thủ tục hành chính trong đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội; rà soát công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp…;
Bên cạnh đó, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện thì tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố để thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác…
Về chính sách hỗ trợ vốn vay, đến nay, Thành phố đã rà soát 7 dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn, hưởng lãi suất ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và đang tiếp tục rà soát các dự án khác đủ điều kiện vay vốn theo quy định.
Ngoài ra, Thành phố cũng đang triển khai Chương trình vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp. Theo đó, được vay tối đa là 70% giá trị căn hộ/ nhà, nhưng không vượt quá 900 triệu đồng/một hồ sơ với lãi suất là 4,7%/năm, thời gian tối vay tối đa là 20 năm. Trường hợp đối tượng hưởng lương từ ngân sách có nhu cầu vay thì liên hệ với Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố để được hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chính quyền Thành phố nhận thấy có những vướng mắc.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ, về thủ tục, với dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải rất vất vả để hoàn tất cả thủ tục pháp lý. Cộng tất cả các thủ tục hành chính, pháp lý liên quan đến dự án, nếu suôn sẻ chủ đầu tư cũng phải mất 360 ngày mới hoàn thành thủ tục pháp lý. Còn nếu có vướng mắc, vấn đề thì ít nhất phải lên đến trên 500 ngày.
Về đối tượng mua nhà ở xã hội, các quy định cũng tạo vướng mắc.
"Các quy định luật yêu cầu đối tượng người có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì không được mua nhà ở xã hội. Trong khi một số cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có thể có mức lương đến 11 triệu đồng/tháng, nhưng không có nhà ở, thì họ không thể mua được nhà. Điều này phát sinh thực tế, nếu 1 lần phải đóng thuế thu nhập cá nhân, thì muôn đời không mua được nhà ở xã hội", ông Khiết cho biết.
Một vấn đề liên quan khác là quy định người mua nhà ở xã hội chưa từng sở hữu nhà ở, điều này vô tình tạo khó cho các Sở Xây dựng địa phương.
"Chúng tôi không thể xác định được đối tượng mua nhà ở xã hội có nhà ở TP.HCM bởi vì nếu họ không có nhà ở quận này, sẽ có nhà ở quận khác hoặc địa phương khác. Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị các cơ quan trung ương nên làm rõ, cụ thể các quy định này", ông Khiết cho biết.
Tổng hợp | Tinnhanhchungkhoan.vn