Một năm làm ăn khó khăn của môi giới địa ốc TP.HCM
Nhiều môi giới cho rằng, năm 2018 là một năm làm ăn khá khó khăn, trừ thời điểm nóng sốt vì nhìn chung thị trường trầm lắng hơn những năm trước, ít sản phẩm mới chào bán. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối năm, nguồn hàng khan, thu nhập của môi giới không ổn định.
Giáp Tết, môi giới tìm khách khó khăn
Tiếp xúc với các môi giới nhà đất ở thời điểm này đều nhận được câu trả lời: "Không tốt lắm ạ!".
So với cùng kỳ giáp Tết năm ngoái, thị trường BĐS ở thời điểm này có vẻ trái ngược khi hoạt động môi giới trầm lắng rõ nét. Nếu như năm ngoái, môi giới hoạt động hết công suất, dẫn khách đi xem nhà đất cả ngày lẫn đêm, thậm chí sát Tết âm lịch, các môi giới vẫn tranh thủ chốt giao dịch.
Hiện tại, nhiều môi giới "nghỉ sớm" vì không có nguồn hàng để bán, phần vì khách hàng cũng không sẵn sàng bỏ tiền vào nhà đất như đợt trước vì giá nhìn chung đã lên quá cao.
Tiếp xúc với Hiếu (ngụ Q.Thủ Đức), hiện là môi giới BĐS tự do, Hiếu bộc bạch: "Năm nay nhìn chung khó khăn chị ạ, thu nhập không ổn định như năm trước".
Theo môi giới này, năm nay sản phẩm ít hẳn và tình hình này có lẽ còn kéo dài qua năm 2019, đặc biệt tài chính của khách hàng đa phần còn tồn đọng trong đất nên chưa thể quay dòng vốn sang các dòng sản phẩm khác.
Tương tự, anh Trương Vũ, hiện là môi giới căn hộ, sống tại Q.2 cũng giãi bày nỗi niềm: "Chưa thấy năm nào tìm khách khó khăn như năm nay. Đặc biệt, gần Tết tìm khách mua căn hộ, thậm chí chào mời đi xem căn hộ mẫu ở thời điểm này cũng khá khó khăn".
Anh Vũ cho biết, những ngày giáp Tết ngoài việc tìm khách bằng các hình thức thông thường thì còn linh động đến các quán café để "chào mời", "vớt" được khách nào hay khách đó.
Theo anh Vũ, mặc dù sản phẩm mới ra thị trường khá ít nhưng không có nghĩa là bán được nhanh. Dường như khách hàng không sẵn sàng xuống tiền ở thời điểm này.
Ở phân khúc đất nền, theo các môi giới, đa số giá sản phẩm đã lên cao nên NĐT cũng khá cân nhắc, tìm đến các khu vực tỉnh lân cận Sài Gòn để "săn" nguồn hàng mới. Ở phân khúc căn hộ, tình hình khó khăn hơn khi mà dòng tiền của NĐT còn đọng ở trong đất nền khá nhiều nên việc xoay chuyển dòng tiền gặp khó khăn.
Chưa kể, những tác động tâm lý còn âm ỉ khiến cả người mua thực lẫn NĐT còn chưa sẵn sàng "xuống tiền" cũng là nguyên nhân khiến giao dịch BĐS giáp Tết năm nay khó khăn hơn những năm trước.
Tiếp tục khan nguồn cung BĐS năm 2019?
Dường như những dự báo về nguồn cung 2019 không mấy sáng sủa ở hầu hết các phân khúc thị trường.
Theo các đơn vị nghiên cứu, cả căn hộ, đất nền, nhà phố - biệt thự đều sẽ hạn chế nguồn cung mới ra thị trường trong năm Kỷ Hợi do chủ đầu tư chưa chuẩn bị được quỹ đất cũng như kỹ càng trong vấn đề pháp lý dự án. Những tác động nội tại dự án phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung mới trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, từ năm 2019 trở đi, cầu BĐS sẽ nhiều hơn cung bởi dưới tác động của CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) tại Tp. HCM nói riêng sẽ có hàng vạn công nhân, kỹ sư nước ngoài vào nên nhu cầu nhà ở sẽ rất lớn ở các phân khúc từ trung bình khá trở lên.
Trong khi đó, số lượng dự án cũ không còn nhiều bởi hoặc có dự án nhưng không được ngân hàng bảo lãnh, còn dự án mới cũng sẽ ít đi do đất đai đã bị co hẹp. Chính vì vậy, số lượng nguồn cung BĐS từ năm 2019 trở đi sẽ giảm dần trong khi cầu tăng lên.
Trong những phát biểu gần đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM lo ngại cho biết kịch bản xấu của BĐS năm 2019 ngày càng lớn dần khi thị trường có sự sụt giảm nguồn cung liên tục nhiều quý liền và giao dịch cũng ảm đạm hơn năm 2017.
Đặc biệt là nguồn cung căn hộ bình dân (vừa túi tiền) lao dốc mạnh nhất, tỷ lệ sụt giảm gần 70%.
Theo các chuyên gia, tình trạng cung khan hiếm sẽ tiếp tục diễn biến trong năm 2019 và có thể kéo dài vài năm tiếp theo. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chủ đầu tư, khách hàng, môi giới cũng như toàn thị trường Bất động sản nói chung.
Theo Tri thức trẻ