Mua đất không cần nhận đất, biến tướng từ cơn lốc phân lô bán nền

20/09/2019 - 17:38
|

TTO - Làm giàu từ bất động sản đã biến tướng nguy hiểm khi dịch phân lô bán nền trong các dự án 'ma' lan ra cả nước, trong đó Tập đoàn địa ốc Alibaba là điển hình.

Từ vụ án này dần lộ ra góc khuất trong quản lý đất đai và hệ lụy của nạn mua nhà đất không phải để ở mà đơn thuần để đầu tư, nhưng là hoạt động đầu tư bất thường.

Vì sao nói là đầu tư bất thường? Cũng là đầu tư bất động sản, nhưng đầu tư đất nền của Tập đoàn Alibaba rất khác với các hoạt động đầu tư thông thường.

Thông thường, những người am hiểu chỉ đầu tư vào các dự án căn hộ, đất nền của chủ đầu tư có tên tuổi mà theo pháp luật phải "có bột mới gột nên hồ", tức chủ dự án phải có vốn tự có, đáp ứng các thủ tục pháp lý nghiêm ngặt từ khi làm dự án đến khi được đem bán nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư.

Còn Địa ốc Alibaba lại "khai phá" một phân khúc khác, thoát khỏi mọi quy luật và pháp luật, đó là "hợp tác" với cá nhân có đất, xin tách thửa, phân lô, rồi gắn mác đất ở cho đất nông nghiệp, đất rừng dưới những dự án không có thật, có tên rất kêu nhưng chi phí đầu tư lại vừa với túi tiền của nhiều người, vài trăm triệu đồng/nền, rồi đem bán.

Địa ốc Alibaba còn tự đặt ra những "sản phẩm" mua bán phức tạp như bán có thời hạn, với cam kết lợi nhuận khủng.

Từ đó hình thành kiểu mua đất nhưng không cần nhận đất mà chỉ nhận tiền lời, mới có chuyện mua đất nào cũng được, kể cả trong dự án "ma", miễn là được nhận lại vốn và lãi.

Khác thường, nhưng Địa ốc Alibaba khẳng định đáp ứng nhu cầu an cư lẫn đầu tư, "giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản với cam kết lợi nhuận tối thiểu 28%/năm. Chưa có khách hàng nào thua lỗ khi đầu tư tại Địa ốc Alibaba" - lời rao của Địa ốc Alibaba.

Nhưng thực tế nhiều dự án "ma" của Địa ốc Alibaba không thể trở thành nơi "an cư" vì chính quyền chỉ ra rằng đất không thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật, chưa chuyển mục đích sử dụng, không thể cấp sổ đỏ, sao có thể an cư? Nói đúng ra, đây là một loại "hàng giả" bởi nó nằm trong dự án "ma".

Còn gọi đó là sản phẩm đầu tư cũng không ổn, bởi đất ở trong dự án "ma" là "hàng giả", sao có thể bán hay huy động vốn của khách hàng?

Chưa kể với cam kết lợi nhuận tối thiểu đến 28%/năm, mức lãi suất cao bất thường so với mặt bằng chung, đồng nghĩa rủi ro rất lớn cho người mua.

Chưa biết vòng xoáy lãi cao này kết thúc ra sao, nhưng trước mắt người mua phải trả tiền theo giá đất ở để nhận lấy những mảnh đất hiện trạng là đất nông nghiệp, đất rừng...

Rủi ro là vậy, báo chí nhiều năm liên tục kể câu chuyện cảnh giác về các dự án "ma". Chính quyền địa phương liên tục "canh gác" để cảnh báo người dân, nhưng tiền vẫn được rót vào các dự án "ma".

Trong khi đó, còn rất nhiều chủ dự án "ma", như Địa ốc Alibaba, đang chèo kéo người dân góp vốn với hứa hẹn mức lãi khủng chưa bị vạch mặt chỉ tên.

Vì thế, từ vụ Địa ốc Alibaba, đã đến lúc phải xem lại luật pháp về đất đai, đặc biệt là chủ trương cho phép tách thửa, điều kiện nào mới được tách thửa để không bị lạm dụng làm giàu cho giới "cò" đất, trong khi người dân bị thiệt khi bị trắng tay, quy hoạch đất đai bị phá nát.

Theo Tuổi trẻ