Mượn chiêu “ngân hàng thanh lý” để kinh doanh chộp giật

12/08/2017 - 02:27
|

Sau những chiêu thức lừa đảo bị bóc trần, gần đây, giới đầu nậu, “cò” nhà đất manh nha trò lừa mang tên “ngân hàng thanh lý”. Để mồi chài khách hàng, các đối tượng phao tin ngân hàng thanh lý đất, nhà ở, nhà trọ… và hỗ trợ vốn vay lên đến 80%,…

Thậm chí, nhiều đối tượng lừa đảo còn tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn, như vàng SJC, bao giấy phép xây dựng, chi phí sang tên… khiến nhiều khách hàng cả tin rồi sập bẫy.

Giá rẻ hơn thị trường

Trong quá trình tìm hiểu chiêu thức “ngân hàng thanh lý”, PV đã bắt gặp mẫu quảng cáo, giới thiệu nhà đất của người tên Kiểu (ngụ tỉnh Bình Dương).

Trong mẫu quảng cáo, Kiểu thông tin: “Ngân hàng thanh lý nhà phố, 1 trệt 2 lầu, 3 phòng ngủ, 3 toilet, 1 phòng khách và phòng thờ, giá 880 triệu đồng.  Nhà phố 1 trệt 3 lầu, 5 phòng ngủ, 5 toilet, 1 phòng khách, 1 phòng thờ, 1 sân thượng, giá 1,3 tỷ đồng.

Có chính sách ưu đãi dành cho khách hàng. Thanh toán linh hoạt, bao chi phí sang tên. Tặng 2 chỉ vàng SJC cho khách hàng xem tài sản và đặt cọc trong ngày”.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế, PV được biết hoàn toàn không có ngân hàng nào đang thanh lý số nhà đất nói trên. Trong khi đó, Kiểu quả quyết: “Đất này do ngân hàng thanh lý, khi mua bán sẽ sang tên cho anh, thủ tục đơn giản, tất cả được công chứng ở phòng công chứng Bình Dương.

Hiện tôi đang có 2 loại đất nền, sổ riêng và sổ chung. Nếu sổ riêng có giá từ 500 triệu đồng/nền trở lên, tùy vị trí. Ví như ở ven TP.Bình Dương có giá là 900 triệu đồng/nền/100m²”.

Những người này "vẽ" ra nhiều thông tin không có thực

Cùng chiêu thức trên, người tên Thọ cũng ở Bình Dương giới thiệu: “Vietcombank cần thanh lý nhanh đất nền Bình Dương giá rẻ, chỉ từ 90 triệu đồng/nền. Để thu hồi vốn, ngân hàng Vietcombank Bình Dương đang cần thanh lý một số sản phẩm nợ xấu. Để giải quyết nợ, ngân hàng đã ký gửi ở công ty một số lô đất để thanh lý, giá rẻ hơn thị trường khoảng 20 - 50 triệu đồng/nền”.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, những người này còn đưa ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi “khủng”.

Thọ cho biết: “Nhằm thanh lý tài sản, nhà và đất sớm nên ngân hàng đưa ra chính sách ưu đãi chiết khấu 3% cộng 1 chỉ vàng SJC/150m²/nền và 1 thẻ cào trúng thưởng 100% khi khách hàng thanh toán ngay bằng tiền mặt. Có xe hỗ trợ khách hàng xem tài sản, nhà, đất ngân hàng thanh lý hàng ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật”.

Hàng loạt ngân hàng lớn, uy tín bị "cò", đầu nậu lợi dụng để sử dụng cho chiêu thức “ngân hàng thanh lý”.

Tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy, tình trạng người bán đất bằng chiêu “ngân hàng thanh lý” diễn ra khắp nơi. Tuy nhiên, chủ yếu là khu vực tỉnh Bình Dương, Long An và một số huyện ngoại thành TP.HCM. Đây là những khu vực diễn ra hiện tượng sốt ảo đất nền trong thời gian qua.

Hiện nay, cơn sốt đã hạ nhiệt, do đó, để bán được đất, các “cò”, đầu nậu không trừ bất cứ “chiêu thức” nào, trong đó chiêu mạo danh ngân hàng thanh lý nhà đất đang được sử dụng phổ biến.

Thậm chí, những người này còn “vẽ” ra các chi tiết rất đáng tin như: “Tài sản ngân hàng thanh lý nhà đất đúng giá niêm yết (không đấu giá tài sản). Các đơn vị, hệ thống sàn giao dịch nhận giao dịch thực hiện đúng theo quy định trên. Giá bán đã bao gồm: Chi phí sang tên + bao giấy phép, bản vẽ xây dựng. Hotline bộ phận thanh lý: 0902838911 hỗ trợ 24/24”.

Nguy cơ mua phải đất đang tranh chấp

Lần theo thông tin trên, PV biết được người rao tên Phụng, bán đất ở tỉnh Bình Dương (gồm khu Mỹ Phước và TP.Bình Dương) cho một công ty. Tuy nhiên, khi liên hệ, Phụng cũng nhận mình là cán bộ ngân hàng.

Phụng nói: “Tôi là cán bộ của ngân hàng VIB (ngân hàng Quốc tế Việt Nam). Dự án đất đang thanh lý ở trên là của ngân hàng VIB quận 2, TP.HCM. Do vậy, giá sẽ mềm hơn so với nơi khác”.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ có VIB mà hàng loạt ngân hàng uy tín khác như ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), ngân hàng Công thương Việt Nam (TMCP),... cũng bị “cò”, đầu nậu nhà đất mạo danh để bán đất. Họ không ngần ngại giới thiệu mình là nhân viên, cán bộ của các ngân hàng này.

 "Ngân hàng thanh lý" nhà, đất cũng được treo đầy đường tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, các đối tượng ngang nhiên mạo danh các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng đang có trụ sở trên địa bàn có đất muốn bán. Cụ thể, khi rao bán khu đất tại tỉnh Bình Dương, Kiểu tự xưng mình đang làm việc tại ngân hàng Vietinbank Bình Dương.

Sau đó, đối tượng khẳng định ngân hàng này đang thanh lý nhiều lô đất, kể cả nhà trọ tại Bình Dương. Khi tìm hiểu, PV nhận thấy tại tỉnh Bình Dương, Vietinbank có rất nhiều chi nhánh, phòng giao dịch nên không thể xác minh người này đang làm việc tại chi nhánh nào.

Hơn thế, đối với những trường hợp người mạo danh cung cấp chính xác địa chỉ chi nhánh ngân hàng đang làm việc, khách hàng cũng không dễ dàng trong việc xác minh. Sau khi được các đối tượng giới thiệu, PV đã đi xác minh tại các chi nhánh, ngân hàng nhưng đều khẳng định không có người nào, dự án nào như các đối tượng mô tả, giới thiệu.

Điển hình, khi PV liên hệ với VIB quận 2 (TP.HCM), cán bộ tín dụng phụ trách các dự án tại đây cho biết: “Hiện VIB quận 2 không hề có bất cứ dự án đất thanh lý nào ở Bình Dương. Đồng thời, ngân hàng cũng không hề có cán bộ nào tên Phụng”.

Khẳng định tính chất lừa đảo trong chiêu trò “ngân hàng thanh lý” để bán đất, luật sư Nguyễn Đình Thái, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Thực chất đây chỉ là chiêu trò mạo danh của những người môi giới để bán nhà đất. Họ có thể là người của các công ty bất động sản, nhà môi giới hoặc hoạt động tự do... Tuy nhiên, không loại trừ các trường hợp họ hoạt động có tổ chức, được đào tạo bài bản, sử dụng hình ảnh, thông tin các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để giao dịch nhà, đất”.

Thực chất là các lô đất nền ở vùng ven do các công ty môi giới bất động sản có quy mô nhỏ phân phối lại.

“Điều này hết sức nguy hiểm, vì khách hàng mua đất tin vào thương hiệu của ngân hàng. Hơn thế, họ nghĩ rằng, ngân hàng thanh lý sẽ có giá tốt hơn, về mặt pháp lý, họ cũng yên tâm hơn. Nhưng thực tế, những người bán lại lợi dụng vào những lý do trên để bán các thửa đất nằm trong quy hoạch, tranh chấp, chung sổ, có giá cao hơn thị trường...”, luật sư Thái phân tích thêm.

Thông tin về chiêu lừa tinh vi này, bà Nguyễn Thị Hoài Hương, một chuyên gia bất động sản ở TP.HCM cho biết: “Đây thực chất chỉ là chiêu trò bán hàng của một số người làm môi giới nhà đất. Bởi, để bán được sản phẩm, họ không ngại sử dụng các dịch vụ quảng cáo có lợi nhất cho khách hàng, kể cả mạo danh ngân hàng. Thực tế, đây chủ yếu là những người môi giới tự do hoặc làm việc cho các công ty bất động sản quy mô nhỏ”.

“Bằng mọi cách phải bán được sản phẩm, khi đó họ mới có doanh thu và hưởng lương, cộng hoa hồng. Cho nên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các mạng xã hội, các trang rao vặt và kể cả một số tờ báo... có rất nhiều thông tin về nhà đất... giá rẻ do ngân hàng thanh lý nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Do đó, theo tôi, là người mua, cần phải hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm đó trước khi quyết định đặt cọc”, bà Hương khuyến nghị.

Một lãnh đạo sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết: “Nếu người dân có nhu cầu mua nhà đất trên địa bàn tỉnh thì nên tìm hiểu kỹ các thông tin. Tốt nhất, khi đã lựa chọn được vị trí thì nên đến trực tiếp UBND phường, xã để hỏi, tìm hiểu thông tin. Tại đây, người dân sẽ được cán bộ giải thích vì toàn bộ thông tin đều công khai, minh bạch. Đồng thời, không nên nghe theo những người chào bán nhà, đất do ngân hàng hay bất cứ cơ quan, tổ chức nào thanh lý”.

Theo Người đưa tin