Ngân hàng Nhà nước: định hướng tiếp tục giảm lãi suất năm 2021
Trong buổi họp báo ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước thông tin sẽ định hướng tập trung điều hành chính sách tiền tệ, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Cụ thể, ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021. Trong đó, thông tin về “Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2020, định hướng nhiệm vụ năm 2021”.
Định hướng chính sách và hoạt động ngân hàng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tập trung điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá). Chỉ đạo Tổ chức tài chính tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng điều hành tín dụng theo phương hướng tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, trong năm tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xây dựng và trình Chính phủ Đề án tổng thể cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025.
Cũng tại buổi họp báo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã báo cáo những kết quả đạt được của ngành ngân hàng năm 2020
Đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 13,26% so với cuối năm 2019 và tăng 14,61% so với cùng kỳ 2019.
Năm 2020 cũng ghi nhận Ngân hàng Nhà nước thực hiện 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm lãi suất điều hành, giảm 0,601%/năm trần lãi suất tiền gửi, giảm 1,5%/năm trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Các Tổ chức tín dụng năm 2020 đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Đến hết năm 2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%)
Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei).
Những nỗ lực này đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các Tổ chức tín dụng Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 Ngân hàng thương mại của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất Châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) xếp hạng thứ 29/500, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017.
Theo Cafeland