Người bị om vốn, người phải “bán tháo” bất động sản vì áp lực tin đồn từ mạng xã hội
Trên một số trang mạng xã hội vô tình xuất hiện tin đồn thất thiệt về các ông lớn bất động sản. Dù chưa được kiểm chứng nhưng với các nhà đầu tư cá nhân, tin đồn như tai bay vạ gió “thổi bay” cả tỷ đồng của họ.
Thời gian qua trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những thông tin tiêu cực về các chủ doanh nghiệp lớn. Những thông tin thiếu cơ sở rõ ràng, được cắt ghép, chỉnh sửa thu hút sự chú ý của cư dân mạng, tạo nên tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư.
Thậm chí có những đối tượng còn đăng tải những hình ảnh giả mạo văn bản của cơ quan chức năng để tăng tính “thuyết phục” cho những thông tin thiếu cơ sở.
Thông tin dù chưa rõ thực hư, nhưng khiến nhà đầu tư lâu năm nôn nóng thoát hàng, với người mua và nhà đầu tư mới hoang mang không dám “xuống tiền”.
Anh Tùng (Hà Nam) cho hay, thời gian qua anh cùng nhóm đầu tư đã chốt một căn shophouse trong một dự án lớn ở Hưng Yên với số tiền 16 tỉ đồng. Dự án đang trong giai đoạn chờ hoàn thiện, tuy nhiên anh Tùng đọc được một tin “sét đánh” trên mạng xã hội về việc chủ đầu tư dự án đang có nguy cơ vướng vào vòng lao lý.
Lo lắng, bất an, anh tham khảo một số nhóm đầu tư bất động sản thì biết các nhà đầu tư khác cũng đang tìm cách “thoát hàng” sớm để kịp thời thu hồi vốn.
Chị Huệ, một nhà đầu tư khác tại dự án trên cũng chia sẻ, dù không thực sự tin tưởng thông tin trên nhưng thấy mọi người xung quanh cuống cuồng bán tháo nên chị cũng sốt ruột.
“Số tiền đầu tư bất động sản rất lớn, nếu không hành động kịp thời thì có khi lỗ nặng, thậm chí không biết khi nào ra được hàng”, chị Huệ cho biết.
Tương tự, anh Minh (Hà Nội) một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm cho biết, phần đông người tham gia thị trường bất động sản là theo tâm lý đám đông, nên dễ bị ảnh hưởng khi có các tin đồn xuất hiện.
Thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang rất “mong manh” một phần bị đè nặng bởi các yếu tố như thanh khoản kém, thiếu nguồn cung, giá bán cao, thiếu nguồn vốn… nếu xuất hiện những tin đồn không tốt, tâm lý nhà đầu tư dần chuyển sang xu thế phòng thủ khiến thị trường, đặc biệt là các dự án lớn chịu tác động mạnh của các tin đồn, thậm chí gây “đóng băng” thị trường.
Hậu quả của các tin đồn thất thiệt này thể hiện rõ nhất trên thị trường chứng khoán khi hàng loạt mã cổ phiếu bị bán tháo, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ cho các doanh nghiệp kinh tế lớn.
Đối với thị trường bất động sản, việc bán tháo không diễn ra chóng vánh nhưng tác động của những tin đồn lại đánh vào niềm tin của khách hàng với các chủ đầu tư.
Mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) làm việc với Nguyễn Xuân Lượng (trú tại huyện Chương Mỹ) và Bùi Tiến Dũng (trú tại huyện Thanh Oai) về hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật về thị trường tài chính, chứng khoán.
Hành vi của Lượng và Dũng được xác định gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an đối với các nhà đầu tư và gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên thị trường.
Tại buổi làm việc, Nguyễn Xuân Lượng và Bùi Tiến Dũng đã thừa nhận hành vi vi phạm.
Bộ Công an khuyến cáo, người dân không nên đăng tải, chia sẻ, tán phát tin giả, tin sai sự thật chưa được kiểm chứng, để tránh gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán cũng như những vấn đề khác.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong 10 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 527 vụ phạm tội trên không gian mạng (tăng 144% so với cùng kỳ).
Các thông tin vừa qua làm ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục làm mạnh, xử lý nghiêm các vấn đề thông tin phát triển, thông tin sai sự thật với mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, thị trường BĐS, chứng khoán, thị trường tài chính, ngân hàng...
Tổng hợp | 24h