Người dân 5 địa phương sắp thanh toán online nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục đất đai
Ngay trong tháng 11/2020, thành phố Đà Nẵng và 4 tỉnh Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Long An sẽ kết nối, tích hợp và tổ chức việc thanh toán online nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 (Ảnh minh họa)
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND 11 tỉnh, thành phố: Bình Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Tây Ninh, TP.HCM về việc triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai.
Theo đó, để triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, địa phương nêu trên quan tâm, tập trung thực hiện một số nội dung công việc.
Cụ thể, Bộ Tài chính được đề nghị trên cơ sở kết quả tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện hệ thống thuế để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thông suốt, hiệu quả.
Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thuế ở địa phương thực hiện đáp ứng tiến độ, đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ đề nghị bộ này hướng dẫn các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương tổ chức triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia đảm bảo tiến độ, chất lượng.
UBND các địa phương gồm Bình Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Tây Ninh, TP.HCM được đề nghị triển khai kết nối, tích hợp Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và tổ chức triển khai đến các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương để thanh toán nghĩa vụ trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trước mắt đối với đối tượng là hộ gia đình, cá nhân để làm cơ sở trên khai toàn quốc từ quý I/2021.
Theo lộ trình được Văn phòng Chính phủ đưa ra, trong tháng 11/2020 thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Long An sẽ kết nối, tích hợp và tổ chức triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tiếp đó, sẽ thực hiện kết nối, tích hợp và tổ chức triển khai tại TP.HCM và các tỉnh: Hải Dương, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Tây Ninh trong tháng 12/2020.
Liên quan đến việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch công cấp bộ, cấp tỉnh, trong kết luận hội nghị sơ kết 3 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia vào trung tuần tháng 3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc này cần phải được đẩy mạnh nhằm góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo thống kê, kể từ thời điểm chính thức được khai trương vào ngày 9/12/2019 cho đến tháng 9/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến; có khoảng 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.
Đặc biệt, từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành. Tính đến hết tháng 8/2020, tổng cộng đã có hơn 11.000 giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia với giá trị ước tính khoảng 5 tỷ đồng/tháng.
Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.700 tỷ đồng/năm, con số này sẽ tiếp tục tăng theo số lượng dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
M.T (ICTNews)