Người dân tất bật mua bất động sản, hồ sơ đất đai tăng mạnh

26/11/2021 - 14:44
|

Sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách, thị trường BĐS đã có tín hiệu tích cực trở lại từ đầu tháng 10 khi người dân bắt đầu đổ xô mua bất động sản sau dịch, đẩy lượng hồ sơ đất đai tại một số địa phương tăng mạnh.

Trước khi lệnh giãn cách được nới lỏng, nhiều chuyên gia và cơ quan chuyên trách đưa ra dự báo bất động sản (BĐS) sẽ có tình trạng tiêu dùng trả thù sau dịch, tương tự như nền kinh tế nói chung.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng, cho rằng sẽ có hiện tượng bùng nổ mua bán BĐS sau dịch bởi nhiều người dự định mua sắm nhưng phải cất tiền vào nơi khác khi dịch bùng phát.

Thực tế khi các địa phương nới lỏng giãn cách, nhà đầu tư cá nhân đã tranh thủ di chuyển về các tỉnh vùng ven TP HCM như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, thậm chí xa hơn như Lâm Đồng để xem và xuống tiền mua đất.

Đặc biệt sau giai đoạn dịch kéo dài hơn nửa năm qua, người dân bắt đầu có xu hướng mua đất để phòng thủ hơn là sinh lợi như trước đây. Bởi lẽ, khi tình hình dịch bất ổn, gia đình họ có thể di chuyển về khu vực này thay vì chật vật ở thành phố.

Chị Thu Phương, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ, chị muốn tìm một lô đất cách trung tâm TP HCM khoảng 100 km để làm nhà vườn, có khuôn viên vui chơi cho mấy đứa nhỏ vào ngày cuối tuần, đặc biệt những lúc dịch dã như vừa qua. "Tất nhiên khi gửi tiền vào đất, mình cũng mong giá trị sẽ tăng lên sau này", chị Thu Phương nói thêm.

Ở phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương ghi nhận hồ sơ về đất đai tăng mạnh trong tháng 10, cao gấp 10 lần trước giãn cách. Cụ thể, các chi nhánh và Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh tiếp nhận 11.840 hồ sơ đất đai, trong đó chỉ có 118 hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp; còn lại của hộ gia đình và cá nhân.

Trong giai đoạn giãn cách trước đó, địa phương vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng lượng hồ sơ nhận được chỉ hơn 1.000 do hộ gia đình, cá nhân gửi qua dịch vụ bưu chính công ích và không có hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp.

Một văn phòng công chứng tại Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đông đúc nhà đầu tư đến làm thủ tục đất đai trong giai đoạn dịch hồi cuối tháng 5. (Ảnh: Ngọc Anh). 

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, gần đây nhiều nhà đầu tư săn đất sào (từ 1.000 m2 trở lên), đất phân lô biệt thự (từ 300 m2 trở lên) ở thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc,...

Tuyến đường về xã Châu Pha, xã Tóc Tiên, thuộc thị xã Phú Mỹ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến xem và mua đất. Môi giới tại khu vực này cho biết, giá đất tại Châu Pha, Tóc Tiên dao động 1 tỷ - 1,7 tỷ đồng/lô đối với diện tích 150-200 m2, trong đó có 100 m2 đất thổ cư. Mức giá này tăng khoảng 10% so với trước dịch.

Tại khu vực Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm cho biết thời gian qua có hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài địa phương đến các xã Lộc Tân, Lộc Quảng, Lộc An, Lộc Đức, Lộc Ngãi mua đất để nghỉ dưỡng và đầu tư.

Những ngày gần đây, báo chí thông tin nhà đầu tư từ Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành khác đổ về Lâm Đồng săn đất. Theo ghi nhận của Báo Giao thông, người dân dồn về, chen chúc tại Văn phòng một cửa huyện Lâm Hà làm thủ tục đất đai.

Người dân dồn về, chen chúc tại Văn phòng một cửa huyện Lâm Hà làm thủ tục đất đai. (Ảnh: Báo Giao thông).

Việc người dân đổ xô mua BĐS sau dịch phần nào cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường. Trong báo cáo phân tích mới đây, Bộ Xây dựng cũng đưa ra đánh giá nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể tăng nhẹ. Bên cạnh đó, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng có thể sẽ có xu hướng rót về bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng thị trường vẫn có nhiều tiềm năng trong trung - dài hạn nhưng thời điểm này không dành cho đầu tư lướt sóng.

Mặt khác, theo chuyên gia BĐS cá nhân Phan Công Chánh, nhà đầu tư phải xem xét, cân đối khả năng tài chính, đặc biệt khi nền kinh tế tiềm ẩn bất ổn như hiện nay và tỉnh táo trong việc đánh giá tiềm năng của khu đất, không đầu tư vào những sản phẩm pháp lý không rõ ràng, khu quy hoạch treo, đất đồng sở hữu,…

Theo CafeBiz