Nguồn cung bất động sản có xu hướng cải thiện
Trong quý IV năm 2023, nguồn cung BĐS (của dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở) chuyển biến theo xu hướng tăng.
Chiều 12/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức họp báo thường kỳ quý IV năm 2023 và công bố thông tin thị trường bất động sản (BĐS) trong quý IV và cả năm 2023.
Theo đó, số lượng dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng 104,26%; dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý bằng 119,05% so với quý III năm 2023.
Tính chung trong cả năm 2023, cả nước có 68 dự án BĐS được cấp phép mới, quy mô gần 25.000 căn, 71 dự án hoàn thành xây dựng, quy mô hơn 29.000 căn, 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Lượng giao dịch BĐS trong 6 tháng cuối năm gia tăng so với giai đoạn đầu năm. Tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 6 tháng cuối năm bằng khoảng 113 %, tăng 13% so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giảm 17%, đất nền tăng 28,4% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Đối với phát triển nhà ở xã hội, trong quý IV năm 2023, cả nước có 16 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp với quy mô 9.302 căn đã hoàn thành hoặc được cấp phép xây dựng, trong đó có 7 dự án hoàn thành với quy mô 4.019 căn.
Tính chung trong cả năm 2023, cả nước đã có 44 dự án nhà ở xã hội với quy mô 36.262 căn hoàn thành hoặc đã được cấp phép, khởi công xây dựng, trong đó, 28 dự án hoàn thành, quy mô 13.864 căn. Với số lượng này, đến nay, có 495 dự án nhà ở xã hội với quy mô 402.898 đã hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng trên địa bàn cả nước.
Đối với giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 179,5 tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo, Bộ Xây dựng cũng công bố kế hoạch thanh tra năm 2024. Cụ thể, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, danh mục thanh tra gồm 3 phần. Trước hết là thanh tra hành chính việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và công tác cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng.
Thanh tra chuyên ngành công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực: Quản lý hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản; thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, xác minh vụ việc khiếu nại và đôn đốc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của Bộ Xây dựng năm 2023 là hoàn thiện thể chế, trong đó có việc chủ trì soạn thảo và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ Xây dựng cũng quan tâm đến việc triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, qua đó thúc đẩy các địa phương về chỉnh trang đô thị, nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 42,7%.
Đánh giá thị trường BĐS thời gian qua có nhiều biến động, khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ tổ chức hội nghị tháo gỡ. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững bao gồm những vấn đề về thể chế, nguồn lực, tài chính, cải cách thủ tục hành chính, thực thi ở các địa phương.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ