Nhân sự bất động sản chạy đua thời 4.0

05/12/2018 - 09:50
|

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực. Con người tạo ra công nghệ, nhưng cũng chính những ứng dụng công nghệ lại khiến con người phải thay đổi theo nếu muốn tồn tại và phát triển.

Những nỗi lo thiết thực

Bùng lên từ cuối năm 2016, cách mạng công nghiệp 4.0 đang được nhắc đến khá nhiều trong 2 năm trở lại đây. Sự bùng nổ của công nghệ thay đổi hoàn toàn cách con người giao tiếp cũng như ảnh hưởng sâu rộng tới cách thức các doanh nghiệp vận hành.

Mặt được của cách mạng công nghiệp 4.0 là tạo ra những nền tảng công nghệ mới như IoT (Internet of things - Vạn vật kết nối Internet), AI (Artificial intelligence - Trí tuệ nhân tạo) hay Big Data (Dữ liệu lớn) giúp các hoạt động giao tiếp, kinh doanh của con người trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Thế nhưng, mặt trái của của nó là phân hóa thị trường lao động, bởi khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động có thể rơi vào cnarh thất nghiệp.

Sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, tạo áp lực tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực liên quan. Ngay tại nước ta, nhân lực trong các ngành về AI, IoT, xe ôtô tự lái, Robotic… đang được săn lùng ráo riết và trả mức lương rất khủng. Chi phí tiền lương cho nhóm lao động này có thể tăng 50 - 100%/năm trong một vài năm tới.

Số lượng nhân sự đông hiện không còn là một lợi thế cạnh tranh nữa. Với công nghệ, các công ty có thể phối hợp và triển khai những công việc mà trước đây chỉ các công ty lớn mới có thể làm được, chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ theo các mô hình kinh doanh mới để tạo năng lực cạnh tranh khác biệt.

Cách đây không lâu, tại Hà Nội, một dự án đã tạo ra sức hút lớn nhờ vào việc áp dụng công nghệ thực tế ảo giúp khách hàng được quan sát trực tiếp trước về căn hộ mà mình sắp mua, từ đó dễ dàng hơn khi đưa ra quyết định xuống tiền. Theo đó, với công nghệ 3D Interactive sắc nét, khách hàng có thể nhìn thấy căn hộ của mình trong tương lai, nội thất các phòng và đặc biệt là tầm nhìn từ căn hộ ra các hướng xung quanh.

Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa nhân sự sales bất động sản đang đối mặt với thách thức khi người mua nhà có thể không cần phải cần đến nhân viên tư vấn, bởi lẽ chính đơn vị này cũng áp dụng thêm ứng dụng giao dịch nhà đất online. Trên đó, mọi thông số về căn hộ, về pháp lý, giá cả cũng như thủ tục đặt cọc, thanh toán đều được tự động hóa và hướng dẫn người mua đến từng chi tiết. Việc cuối cùng mà khách hàng cần phải làm chỉ là xác nhận thông tin và đến chủ đầu tư ký vào giấy tờ mua/bán.

Với những khách hàng khó tính vẫn cần tới lời tư vấn của các nhân viên môi giới, thì tại Mỹ, Zenplace - một công ty quản lý bất động sản cho thuê đã tự phát triển phần mềm riêng để tạo ra một chú robot không theo phương thức truyền thống. Về cơ bản, robot sẽ hiển thị khuôn mặt của một nhân viên môi giới từ xa để hướng dẫn cho khách thuê xem nhà. Khi đó, chỉ cần lắp đặt một thiết bị robot di chuyển trong ngôi nhà cần cho thuê.

Điều này tức là nhân viên môi giới sẽ nói chuyện với khách thuê bất động sản thông qua màn hình và di chuyển thiết bị (robot) đi lại trong ngôi nhà. Thêm vào đó, robot cũng sẽ cung cấp những dữ liệu cập nhật về khu vực quanh ngôi nhà, sự tiện nghi, xu hướng thuê nhà cũng như giá cả. Nếu ưng ý với ngôi nhà, người thuê có thể điền luôn vào mẫu hợp đồng trực tuyến trên màn hình robot để thỏa thuận.

Đã đến lúc nhân sự phải tự chuyển đổi

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực. Con người tạo ra công nghệ nhưng ứng dụng công nghệ lại tạo ra sự thay đổi về năng lực cạnh tranh của công ty và đi kèm với nó là cấu trúc lực lượng lao động.

Qua rồi những thời trọng dụng bằng cấp, nhân sự giỏi là nhân sự biết tạo ra giá trị, và sẽ ưu tiên mức lương cao nhất, còn lại nếu không chịu đổi mới liên tục sẽ bị tụt hậu và đào thải. Điều này tất nhiên đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, trong đó khâu đào tạo nhà trường là số một, nhưng quan trọng hơn cả là phải có sự chung tay hỗ trợ trực tiếp từ các doanh nghiệp để định hướng, đào tạo ra nhân sự đúng ngành, đúng nghề, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Theo dự báo, tới năm 2025, có tới 80% công việc sẽ là những công việc mới mà chưa từng có ở thời điểm hiện nay. Thực tế, ngay ở nước ta, một số nghề cũng đang dần biến mất, ví dụ như nghề xe ôm tự do đã bắt đầu biến mất khi Grab ra đời. Nhiều ngân hàng thay vì mở rộng mạng lưới như trước đây thì bắt đầu phải thu hẹp do người dân đã bắt đầu quen với Internet banking và không còn cần tới trụ sở để giao dịch. Vì vậy, nghề giao dịch viên tại các ngân hàng sẽ dần thu gọn. Các ngành nghề lặp đi lặp lại với quy trình cụ thể như kế toán, lập trình, bảo trì vận hành có thể được thay thế bằng người máy với trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, tỷ lệ nghỉ việc hằng năm đang là mối lo ngại lớn cho các công ty lớn. Nguyên nhân rất đa dạng. Ví dụ như trào lưu muốn làm chủ và làm việc cho các công ty nhỏ, năng động thay vì làm việc ở công ty lớn, cồng kềnh. Sự cạnh tranh về mức thu nhập đối với ngành nghề “hot” dẫn tới bỏ việc.

Văn hóa làm việc cũng đang thay đổi. Trước đây, sếp có thể sa thải nhân viên thì sắp tới, nhân viên có thể sa thải sếp vì bản chất quản lý, đặc biệt là các cấp quản lý trung gian là một kỹ năng mềm và robot có thể học và làm thay thế được. Vì vậy, người lao động với hỗ trợ công nghệ có thể tự chủ công việc, tự phối hợp quản lý công việc mà không cần tới nhiều cấp lãnh đạo nữa.

Các chuyên gia cho rằng, kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Nước ta cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó, nhất là khi lực lượng lao động còn rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kỹ năng. Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm số lượng lớn.

Chưa kể lực lượng lao động thiếu kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường mới, năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém. Các chuyên gia cho rằng, để biến những thách thức thành cơ hội, con người sẽ cần những kỹ năng mới để có thể tìm được cơ hội việc làm.

Những kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc (EI), đánh giá và đưa ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức.

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các nhóm lao động đều bị tác động, đặc biệt là các nhóm lao động yếu thế như tuổi cao, trình độ kỹ năng thấp… Điều này có thể dẫn tới việc làm có thể mất đi nhưng cũng có thể mở ra cơ hội khi nhiều lĩnh vực mới được mở ra.Vì vậy, ngay từ bây giờ, lực lượng trẻ chuẩn bị tham gia thị trường lao động, ngoài kiến thức trên nhà trường, cần trang bị những kỹ năng cần thiết để đón đầu xu thế và có cơ hội việc làm tốt nhất trong tương lai.

Theo GBND Tổng hợp