Ồ ạt ra mắt sàn bất động sản trực tuyến
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh cộng với khó khăn trong việc mở bán sản phẩm, nhiều doanh nghiệp bất động sản chuyển sang đầu tư sàn thương mại điện tử.
Giao diện sàn bất động sản online của Công ty Cổ phần Vinhomes
Đua nhau mở sàn giao dịch trực tuyến
Sau những ngày thực hiện giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Vinhomes bất ngờ ra mắt Sàn giao dịch bất động sản trực tuyến Vinhomes online, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng thông qua máy tính hoặc điện thoại. Sàn cập nhật đầy đủ thông tin về vị trí, quy hoạch cũng như tài liệu bán hàng của các dự án mở bán.
Theo ghi nhận, Vinhomes online khá giống với các trang thương mại điện tử khác. Khách hàng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm theo 4 nhóm chính: Bất động sản đang bán, sắp bán, thông tin dự án và hỗ trợ. Hoặc có thể tìm mua sản phẩm nhanh theo yêu cầu của mình bằng cách điền thông tin cần tìm: Tên dự án, toà nhà, loại căn hộ, diện tích, khoảng giá, tình trạng, tầng.
Trong menu bất động sản đang bán, khách hàng có thể tham khảo các sản phẩm đề xuất kèm thông tin liên quan đến sản phẩm đó. Nếu hài lòng, quyết định mua, khách hàng chỉ cần bấm nút “mua ngay” hiển thị ngay bên trái màn hình điện thoại hoặc máy tính.
Tiếp theo khách hàng nộp tiền đặt cọc và tải ủy nhiệm chi lên sàn theo hướng dẫn. Như vậy, chỉ qua một vài thao tác đơn giản, khách hàng đã đặt mua được ngôi nhà theo yêu cầu. Nếu trong cùng ngày đặt mua, khách hàng không chuyển tiền cọc thì đơn hàng sẽ tự động huỷ.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Dư An, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinhomes tin rằng, lượng giao dịch qua Vinhomes online sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới.
Trong vai một khách hàng tìm mua căn nhà diện tích hơn 70m2 tại một dự án ở Gia Lâm, Hà Nội, PV được một nhân viên môi giới báo giá hơn 3,2 tỷ đồng. Đối chiếu với giá công khai trên trang thương mại điện tử, căn nhà được bán 3,182 tỷ đồng, rẻ hơn xấp xỉ 1%.
Đại diện của Vinhomes lý giải, khi giao dịch qua sàn bất động sản thương mại điện tử giá sẽ thấp hơn khi giao dịch trực tiếp bởi bớt được phí môi giới. “Tuy nhiên, rất khó nói bớt được nhiều hay ít vì phụ thuộc vào từng giai đoạn”, vị đại diện nói.
Cùng thời điểm ra mắt Vinhomes online, Công Ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (Gamuda Land), chủ đầu tư bất động sản đến từ Malaysia cũng đã cho ra mắt trang giao dịch bất động sản trực tuyến riêng của đơn vị này, chuyên phân phối các dự án mang thương hiệu Gamuda Land.
Trước đó, Tập đoàn Sunshine Group (Sunshine Group) cũng ra mắt ứng dụng Sunshine App, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng từ mua, bán, cho thuê nhà, đầu tư online, tư vấn dự án, cho vay tiêu dùng, giải trí, gọi xe, giúp việc, du lịch, giáo dục, y tế, mua sắm, quản lý nhà cửa...
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn CenGroup cũng thông tin với báo chí, tập đoàn này vừa “rót” 1 triệu USD đầu tư vào bất động sản trực tuyến...
E ngại “quảng cáo một đằng, nhà bán một kiểu”
Ông Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng Khoa Thương mại điện tử, Đại học Thương mại nhận định, hoạt động thương mại điện tử có những thế mạnh nhất định, bù đắp giảm sút thương mại truyền thống trong thời gian dịch bệnh Covid-19, giúp người dân hình thành thói quen chủ động hơn trong tìm kiếm nhu cầu của mình.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam lại cho rằng, mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng quan tâm hơn trong mùa dịch nhưng chỉ với mặt hàng thiết yếu chứ không phải tăng trưởng toàn ngành.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, hiện nay, tất cả khách hàng mới chỉ sử dụng thương mại điện tử để tìm kiếm thông tin, sau đó đến xem thực tế.
Khách hàng không xem, quyết mua ngay trên sàn online, trừ trường hợp đã tìm hiểu trước rồi mới chốt mua qua sàn giao dịch trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19.
Theo ông Thanh, kinh doanh bất động qua sàn online giảm được nhân viên giao dịch tại sàn, bớt công sức, thời gian đi lại. Nhưng hình thức giao dịch này chỉ phát triển khi đi vào chuẩn mực, còn ngay lúc này thì chưa thực sự hiệu quả.
Và việc các doanh nghiệp tự mở sàn bán sản phẩm của chính mình sẽ khó hơn việc một bên thứ 3 bán vì “tự mình khen mình thường không thuyết phục bằng một bên thứ 3 khen mình một cách khách quan”.
Ghi nhận trên các sàn giao dịch đều có chương trình khuyến mãi áp dụng với khách hàng mua nhà qua sàn. Dưới góc nhìn của một chủ doanh nghiệp lớn, ông Thanh cho rằng, mọi khuyến mại nên có kế hoạch từ một chương trình gốc, không phải khi đưa lên sàn mới áp dụng chính sách riêng.
Anh Trần Định, một nhân viên môi giới cho hay, thương mại điện tử hiện nay mới chỉ tiếp cận được giới trẻ, thành thạo công nghệ. Những người trung tuổi, có điều kiện mua nhà thì chưa tiếp cận được nhiều và những lớp người này vẫn giữ thói quen đến tận nơi xem thực tế.
Ông Lê Minh Anh, một người hơn chục năm trong nghề đầu tư bất động sản cho biết, mua bất động sản online trên thế giới xuất hiện vài chục năm nay, nhưng ở nước ngoài, người mua nhà qua sàn online được chính phủ bảo lãnh, bảo vệ. Sản phẩm đăng bán trên sàn online phải chuẩn đến 100% từ diện tích, thiết kế, phòng ngủ, chất lượng nội thất...
“Hình thức này có thể phát triển trong một vài năm tới. Tuy nhiên, các sàn phải tạo được uy tín, lòng tin cho khách hàng. Thực tế hiện nay, trong nhiều giao dịch, mua bán vẫn còn nhiều khiếu kiện, khi quảng cáo một đằng, nhà bán một kiểu”, ông Anh nói.
Theo Báo Giao Thông