Sẽ thu phí rác thải theo kilogam: Việc cần thiết để nâng cao ý thức!
Mục đích của Luật không phải là xử phạt hành chính để thu ngân sách, mà đích đến là nâng cao nhận thức của người dân, phải khiến người dân có ý thức trong việc phân loại rác, xả rác.
Mới đây, trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay.
Theo dự thảo luật trình ra Quốc hội, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 4 loại: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, một trong những điểm mới trong Luật Bảo vệ Môi trường
sửa đổi là thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng.
Hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, đồng thời có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Phân loại rác tại nguồn, việc nhỏ mà khó
Để có góc nhìn khách quan hơn về những đổi mới trong dự thảo về việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng PV Môi trường và Đô thị đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh- Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Là một trong những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và cũng là một người dân đang sống tại Hà Nội, GS Huỳnh rất ủng hộ và đồng tình với những thay đổi trong dự thảo mới Luật Môi trường và đặc biệt quan tâm tới vấn đề thu gom rác theo khối lượng để hạn chế ô nhiễm môi trường.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ: “Luật Môi trường sửa đổi có nhấn mạnh đến vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải. So với Luật Môi trường năm 2014, các điều khoản mới đã được Bộ Tài nguyên Môi trường nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ, coi đây là vấn đề nóng và cần được giải quyết triệt để”.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh- Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật,
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phân loại rác thải từ tận các hộ gia đình, phân loại các doanh nghiệp, làng nghề, rác thải ít nguy hại, rác thải nguy hại… tùy vào mức độ khác nhau của từng loại rác thải mà trong các điều khoản của Luật quy định rất chặt chẽ.
Luật sửa đổi lần này nêu rất cụ thể, xác định rõ người gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu tiền để bồi hoàn lại môi trường, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân xung quanh, GS Huỳnh phân tích thêm.
Khi nói tới tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật theo hướng thu phí rác thải theo khối lượng sẽ đem lại những lợi ích như thế nào cho tương lai, GS Huỳnh chia sẻ: “Theo tôi, các điều khoản sửa đổi trong Luật Môi trường đã được nêu rõ ràng và trách nhiệm hơn. Trong đó nêu rõ vai trò của người xả rác thải, vai trò của đơn vị xử lý rác thải và khía cạnh từ ý thức của người dân”.
Muốn giải quyết triệt để vấn đề rác thải từ năm nay tới năm 2025 thì phân loại rác thải
và giải quyết rác thải tận nguồn từ người dân, người thu gom rác thải cho tới nơi xử lý rác thải.
Nếu làm được như vậy thì rác thải sẽ từng bước được giải quyết chứ không như hiện nay, các sông hồ chết cũng là do rác thải tồn đọng và chính rác thải cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập nước ở các đô thị lớn, vì rác thải chảy xuống cống, ùn ứ, cản trở dòng chảy nên cứ mưa là lại ngập nước, GS Huỳnh cho biết thêm.
Sự chung tay của cả cộng đồng để thay đổi thói quen
Để có thể áp dụng dự thảo theo hướng thu phí rác thải theo khối lượng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra thói quen phân loại rác tại nguồn không phải câu chuyện có thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”, việc đó rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, GS Huỳnh chỉ ra một số biện pháp để có thể nâng cao tính hiệu quả của dự thảo mà Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã đưa ra.
Về phía cơ quan quản lý: Cần phải tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm tuyên truyền tới người dân, để hiểu được rõ các luật.
Lâu nay vấn đề này còn hạn chế, nên cần tích cực hơn nữa và cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện của người dân, điều chỉnh các hành động của người dân.
Về phía cộng đồng: Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội người cao tuổi…trong việc nâng cao nhận thức cho người dân nơi địa phương sinh sống.
Phân loại rác tại nguồn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thu gom rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Có hình thức xử phạt nặng hành vi gây ô nhiễm môi trường, mục đích của Luật không phải là xử phạt hành chính để thu ngân sách, mà đích đến là nâng cao nhận thức của người dân, phải khiến người dân có ý thức trong việc phân loại rác, xả rác. Biến nhận thức thành hành động, hạn chế được việc ô nhiễm môi trường.
Đối với sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan từ tỉnh đến các địa phương: Phải huy động được năng lực của cộng đồng, giám sát được tình trạng ô nhiễm diễn ra từng làng, xã, từng vùng để báo cáo lên các cấp để xử lý kịp thời. Liên kết các vùng để xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh.
Với những chính sách và các quy định của Nhà nước đã nêu rất cụ thể, chi tiết và điều quan trọng là sự chung tay của cả cộng đồng để biến chính sách thành hành động, khi có sự đồng lòng và ý thức của người dân được nâng cao, vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải từ đó cũng sẽ bị đẩy lùi, không còn là vấn đề quá lo ngại.
Nguồn: Môi Trường & Đô Thị