Sóng đầu tư dự án đẩy giá nhà đất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

14/10/2019 - 12:18
|

Lượng dự án bất động sản (BĐS) triển khai tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng khiến giá trị đất và giao dịch tại đây biến động mạnh.

Trong nửa đầu năm 2019, hàng loạt chủ đầu tư công bố dự án tại miền Tây nhằm tranh thủ quỹ đất còn lớn, tiềm năng dồi dào tại đây.

Cụ thể, Cát Tường Group triển khai dự án KĐT Cát Tường Western Pearl quy mô 78 ha tại TP. Vị Thanh, Hậu Giang; LDG Group giới thiệu dự án nhà phố xây sẵn Thành Đô tại Ô Môn, Cần Thơ với vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng; LinkHouse ra mắt khu đất nền Vạn Phát Residence tại Cái Tắc, Hậu Giang; Tập đoàn FLC khởi công dự án FLC La Vista Sadec tại TP. Sa Đéc quy mô 15ha. Mới đây nhất, TNR Holdings Việt Nam trình làng dự án đất nền TNR Stars Thoại Sơn quy mô 11,29 ha tại Thoại Sơn, An Giang; Kita Group ra mắt siêu dự án Stella Mega City tại Cần Thơ quy mô 5.000 nền nhà phố liên kế và biệt thự…

Trước đó, từ giữa năm 2018 hàng loạt ông lớn trong ngành địa ốc như Vingroup, Mường Thanh, Văn Phú Invest, Phú Cường Group, Ceo Group, Sun Group, Thủ Đức House, Nam Long Group, T&T Group, DIC Group… cũng đổ vốn săn quỹ đất sạch thị trường Tây Nam Bộ, mục đích triển khai nhiều dự án ở tất cả các phân khúc.

Đi cùng với hoạt động đầu tư, săn quỹ đất của các ông lớn là làn sóng đón đầu thị trường của giới đầu tư. Không chỉ khách bản địa mà cả nhà đầu tư từ TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… cũng đổ về đây khiến giá nhà đất tăng rõ rệt.

Theo tìm hiểu của PV Batdongsan .com.vn, trong vòng 2 năm gần đây, nhà đất tại Cần Thơ ghi nhận mức tăng giá nhanh. Khu vực nội ô thành phố tăng 150-200% so với năm 2017. Giá đất thổ cư thuộc các khu dân cư quận Ninh Kiều hiện dao động 25-35 triệu/m2, phường An Khánh khu vực mặt tiền các tuyến đường lớn có giá lên đến 70-90 triệu/m2. Khu Nam Cần Thơ thuộc quận Cái Răng giá đất hiện cũng từ 20-40 triệu/m2.

Tại Kiên Giang, sau giai đoạn sôi động của thị trường Phú Quốc, làn sóng đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Hà Tiên, Rạch Giá. Đất nền từ mức 5-7 triệu/m2 đã tăng lên 8-15 triệu/m2. An Giang vốn kém phát triển nhất khu vực nhưng nhờ sự xuất hiện của nhiều ông lớn, giá nhà đất cũng biến động tăng từ 40-50% chỉ sau 2 năm.

Tương tự, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang… cũng đang là những thị trường được cả doanh nghiệp lẫn người mua quan tâm do còn nhiều dư địa phát triển. Hiện giá đất tại hầu hết các khu vực này đều tăng khoảng 30-35% so với năm 2017.

Một dự án bất động sản đang triển khai tại Hậu Giang. Ảnh: DN

Nhìn nhận về thị trường BĐS Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Hoài Danh, Giám đốc Marketing của Cát Tường Group cho rằng, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tại Tây Nam Bộ thời gian qua tăng cao.

Thứ nhất, do quỹ đất cạn kiệt, nguồn cung khan hiếm, mặt bằng giá đẩy lên cao khiến lượng lớn dòng tiền đầu tư khó khăn trong việc dừng chân tại TP.HCM. Vì thế, dòng tiền này đang ào ạt đi tìm các khu vực tiềm năng mới để đổ vốn. Và Tây Nam Bộ được xem là một “địa chỉ đỏ”. Sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn lớn tại khu vực này khiến giới đầu tư càng thêm đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng nơi đâ với làn sóng đầu tư ngày càng lan rộng.

Thứ hai, nền kinh tế tăng trưởng trong những năm qua giúp Tây Nam Bộ thu hút lượng lớn chuyên gia và lao động dồi dào đến làm việc và an cư. Dân số đông tạo ra nguồn cầu lớn về nhà ở. Dù quỹ đất còn nhiều nhưng lượng dự án quy hoạch bài bản triển khai không lớn dẫn đến tình trạng cung không kịp cầu, kéo theo biên độ tăng giá nhanh và cao.

Thứ ba, giá bất động sản luôn tăng tỷ lệ thuận với sự đồng bộ của hạ tầng giao thông. Những năm qua, các dự án hạ tầng giao thông trong khu vực đã góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành miền Tây và tạo cơ hội thu hút đầu tư bất động sản vào khu vực này. Sắp tới, hàng loạt công trình giao thông nghìn tỷ hoàn thiện sẽ tiếp tục là đòn bẫy cho BĐS Tây Nam Bộ tiếp đà tăng giá.

Cuối cùng là sự xuất hiện của các dự án được đầu tư bài bản, chất lượng, quy mô lớn đến từ các tập đoàn uy tín đang giúp nâng tầm diện mạo đô thị, dự án sau chất lượng hơn dự án trước đã góp phần thiết lập mặt bằng giá mới tại khu vực này.

Ông Danh cũng đánh giá nhà đất các tỉnh ĐBSCL vốn đã thu hút các tập đoàn lớn từ nhiều năm trước. Đây không phải là xu hướng nhất thời mà là nhu cầu tất yếu. Đặc biệt khi hàng loạt công trình hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP.HCM và Đông Nam Bộ ngày càng hoàn thiện, mở ra tiềm năng gia tăng giá trị BĐS lớn. Sắp tới, thị trường này sẽ còn tiếp tục thu hút các doanh nghiệp bất động sản cũng như dòng tiền đầu tư đổ về bởi còn nhiều dư địa phát triển.

Theo Bất động sản