Thị trường BĐS vùng ven TP. HCM: Trầm lắng sau cơn “sốt giá”

14/11/2020 - 08:07
|

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư nhà đất dịch ra các tỉnh vùng ven TP.HCM, khiến thị trường bất động sản nơi đây luôn “sốt giá”. Sau thời gian được xem là bình ổn, thì nhiều khu vực không có tiềm năng phát triển, khiến nhà đầu tư, giới đầu tư không còn mặn mà, thậm chí quay lưng.

Giá nhà đất tăng cao

Tại TP.HCM, nguồn cung bất động sản hạn chế do nhiều dự án bị vướng pháp lý chậm triển khai, dẫn đến nhiều nhà đầu tư đổ xô dịch chuyển sang các tỉnh lân cận, khiến giá nhà đất các tỉnh vùng ven tăng nhanh. Điển hình tại tỉnh Bình Dương, giá nhà đất thời điểm 2015 - 2018 có giá chào bán căn hộ trung bình tại TX. Dĩ An vào khoảng 16 - 25 triệu đồng/m2. Đến giữa năm 2019, giá chung cư tại các khu vực tăng vọt lên 30 - 37 triệu đồng/m2 và đến tháng 7/2020 nhiều dự án chào bán với giá lên đến 40 - 45 triệu đồng/m2, vượt cả mức giá bán ở nhiều khu vực tại TP.HCM.

Mở bán sản phẩm bất động sản khu vực vùng ven TP.HCM những năm trước đây luôn thu hút khách

Mở bán sản phẩm bất động sản khu vực vùng ven TP.HCM những năm trước đây luôn thu hút khách

Tại Đồng Nai, nếu như trong năm 2019, giá đất dự án bình quân khoảng 12 - 14 triệu đồng/m2 thì đầu năm 2020 đã tăng mạnh lên 22 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực tại Long An, một số dự án giá bán đã lên đến 21 - 26 triệu đồng/m2… Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, việc thị trường nhà đất nóng “sốt” và giá bị thổi lên quá nhanh trong khi tiềm năng và giá trị thương mại chưa tương xứng nên việc bán ra ngày càng khó khăn, khiến các nhà đầu tư dần quay lưng.

Trong Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản tại TP.HCM của Tập đoàn bất động sản CBRE Việt Nam cho thấy, hiện nay, giá BĐS tại các tỉnh giáp ranh, lân cận TP.HCM như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương còn khá cao, các đợt mở bán vẫn được hấp thụ. Nhiều khu đô thị tọa lạc ở các tỉnh vùng ven được hình thành dọc các trục giao thông lớn kết nối với TP.HCM tỷ lệ chỉ có 10% người mua nhà đất vùng ven với mục đích để ở, 90% còn lại là nhà đầu tư, thậm chí là giới đầu cơ xuống tiền xong rồi để đó.

Cẩn trọng khi “lướt sóng”

Những năm qua, làn sóng đổ tiền vào bất động sản vùng ven chủ yếu là đầu tư, người mua nhà đất để ở rất ít, số còn lại là dân “lướt sóng”, gom hàng chờ tăng giá bán kiếm lời, thậm chí là đầu cơ đẩy giá. Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn thoái trào, một phần do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường chung. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nhìn lại, nhất là những khoản đầu tư không hiệu quả, và phải trả lãi ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng mua sản phẩm cũng quan tâm hơn về mặt pháp lý dự án.

Theo Chuyên gia Kinh tế Lê Chí Nhân, phần lớn người mua đổ xô về các tỉnh vùng ven chủ yếu mua đầu tư, chờ giá tăng để bán. Xu hướng đầu tư theo kiểu “ăn theo”, “té nước theo mưa” và nhà đất thường xuyên bị chuyển nhượng sang tay khiến giá bán tăng dần qua từng giai đoạn, gây sốt ảo, tác động tiêu cực đến thị trường nhà đất trong nhiều khu vực. Trong khi tiềm năng không tương xứng, không thu hút cư dân đến sinh sống tại các khu đô thị, các dự án dân cư mới cũng khó khăn theo nguy cơ trở thành các đô thị “ma” như đã từng xảy ra tại các tỉnh, thành gây lãng phí quỹ đất đai, nguồn lực của xã hội cũng như tiền của đầu tư đầu vào.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, trong những năm vừa qua, những người đã thu gom - mua đất vì trước thông tin phát triển sân bay Long Thành; hay ở tỉnh Bình Dương, nhà đầu tư gom đất vì thông tin thị xã Thuận An lên thành phố và giá thị trường BĐS ở đây cũng “sốt” vì hai chữ “thành phố”, nhiều khu vực những người đang “ôm” đất luôn cho rằng nơi đây đắc địa nên không thể bán giá thấp. Nhưng sau đợt sốt giá thì người mua giảm, giá cũng không tăng, người sở hữu đất muốn bán thu hồi vốn cũng khó.

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường