Tiếp thị bất động sản, bảo hiểm 'khủng bố' người dùng di động
Sau khi tin nhắn rác thuyên giảm, người dùng di động lại đau đầu vì cuộc gọi rác, đặc biệt là cuộc gọi tiếp thị của các đơn vị kinh doanh bất động sản, bảo hiểm.
"Đang nghỉ trưa để lấy sức chiều làm việc mà nhận liên tiếp hai cuộc gọi vô duyên, một cuộc từ đầu số 900 của nhà mạng quảng cáo về dịch vụ nào đó và một cuộc từ số máy lạ tiếp thị bảo hiểm, khó chịu lắm chú ạ", chị L. Phương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Kể từ ngày tin nhắn rác giảm bớt, cuộc gọi rác lại trở thành kẻ quấy rối điện thoại của chị Phương cùng nhiều người. Theo chị Phương, mỗi ngày chị nhận khoảng 4-5 cuộc gọi rác dạng này, trong đó có những đơn vị gọi tới nhiều lần dù chị đã từ chối tiếp nhận thông tin tiếp thị ngay từ cuộc gọi đầu tiên.
Sau tin nhắn rác, cuộc gọi rác đang là làn sóng tiếp theo quấy rối người dùng di động.
"Những cuộc gọi đầu tiên mình cũng cố gắng nghe xem có thông tin gì hữu ích, với thấy họ cũng là người làm công ăn lương nên nghe ủng hộ, nhưng càng lúc thì họ gọi càng dày, vô cùng phiền phức", chị Phương bức xúc.
Cũng theo chị Phương, cuộc gọi rác phổ biến nhất đến từ các đơn vị bán bảo hiểm, BĐS và nhân viên ngân hàng chào mời mở thẻ tín dụng. "Đang họp thì họ mời mua căn hộ, rồi mua bảo hiểm nhân thọ, mà công việc của mình cũng nhiều khi phải nhận cuộc gọi từ số lạ nên không thể phân biệt được đâu là khách hàng, đâu là cuộc gọi rác", chị Phương nói.
Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác lượng cuộc gọi rác và số lượng thuê bao bị ảnh hưởng. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCert) chỉ thống kê lượng tin nhắn rác, cuộc gọi rác không thuộc phạm vi quản lý, tiếp nhận của đơn vị này. Tuy nhiên những trường hợp trở thành nạn nhân của tiếp thị qua điện thoại như chị Phương không phải là hiếm.
Chung cảnh ngộ với chị Phương, chị T. Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay gần đây chị nhận được ngày càng nhiều cuộc gọi tiếp thị, trong đó thậm chí có cả những cuộc gọi tự động.
"Lần nào nhấc máy cũng nghe thấy giọng nói như máy 'xin chào quý khách, đây là cuộc gọi miễn phí từ bất động sản ***** ****, chúng tôi đang mở bán dự án...' rất khó chịu. Dù đã gác máy họ lại gọi lại thêm 1-2 lần trong ngày mà lại không phải người thật ở đầu dây bên kia nên muốn mắng cũng không được", chị Hạnh chia sẻ.
"Mình không hiểu làm thế nào mà họ có được số điện thoại của mình. Nhiều đồng nghiệp tại công ty cũng nhận vài cuộc một ngày", theo chị Hạnh.
Đại diện các nhà mạng chia sẻ, việc chặn trước cuộc gọi rác là rất khó thực hiện vì không dễ để phân biệt cuộc gọi rác như với tin nhắn rác. Hiện các nhà mạng vẫn luôn thu thập phản ánh từ người dùng để xử lý từng đầu số có dấu hiệu thực hiện nhiều cuộc gọi rác.
Theo luật sư, mấu chốt của vấn đề nằm ở việc thông tin cá nhân của người dùng viễn thông lại bị mua bán trái phép. Ảnh: Ngô Minh.
Chia sẻ với Zing.vn, luật sư Phạm Duy Khương, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho hay nếu một số điện thoại quấy rối khách hàng từ 2 lần trở lên, các đơn vị tiếp thị qua điện thoại đã vi phạm Điều 10.2 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó nếu người dùng cho rằng việc bị tiếp thị ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của mình thì có thể khởi kiện được.
Tuy nhiên theo luật sư Khương, một điều khó đó là các đơn vị tiếp thị có thể sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi khách hàng. Vì vậy, cần phải xác định liệu các thuê bao khác nhau này có cùng thuộc về một cá nhân nào không. Trách nhiệm của bên chủ của mặt hàng bán là phải xây dựng cơ sở hạ tậng để tránh gọi cho cùng một người trên 2 lần.
Luật sư cũng cho rằng "điều đáng quan tâm và hệ trọng hơn nhiều khi thông tin cá nhân là một tài sản của chúng ta nhưng lại bị mua bán trái phép. Điều đó đòi hỏi các bên phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ thông tin cá nhân".
"Nếu xét theo Luật An ninh mạng vừa được thông qua, hành vi mua bán bí mật cá nhân của người khác mà gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân thì sẽ bị coi là vi phạm luật theo Điều 17.1.a 'Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân'", luật sư Khương nhận định.
Theo Zing