Tiếp tục được qui hoạch thành đặc khu, địa ốc Phú Quốc vẫn lặng như tờ
Sau chỉ đạo tiếp tục qui hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, thị trường Bất động sản tại đảo ngọc vẫn duy trì tình trạng trầm lắng kéo dài.
Trầm lắng sau nhiều lần trồi sụt
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu tỉnh lập mới qui hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế).
Chỉ đạo này được ban hành sau khi vào tháng 8, tỉnh Kiên Giang từng có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành "đặc khu kinh tế" cho tới khi Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua. Tỉnh muốn dùng ngân sách địa phương để lập mới qui hoạch huyện đảo này theo hướng trở thành "khu kinh tế".
Theo Batdongsan .com.vn, quí III, mức độ quan tâm đến loại hình đất nền tại Kiên Giang giảm đến 25% so với quí trước. (Ảnh: Hiếu Quân)
Chỉ trong hai tháng trở lại đây, Phú Quốc liên tiếp đón nhận những thông tin vĩ mô khác nhau có tính quyết định đến việc qui hoạch, định hướng phát triển của huyện đảo trong tương lai.
Chỉ đạo tiếp tục qui hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế được xem là sẽ có tác động tích cực, củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) vào thị trường đảo ngọc.
Tuy nhiên, vốn chịu tác động mạnh mẽ từ những chỉ đạo vĩ mô trong hai năm qua, nhưng lần này, dù xuất hiện những thông tin khác nhau nhưng thị trường địa ốc tại Phú Quốc lại vẫn hầu như không có chuyển biến, giữ sự trầm lắng suốt nhiều tháng qua.
Kết quả nghiên cứu của trang tin batdongsan .com.vn cho thấy, trong quí III, mức độ quan tâm đến loại hình đất nền tại Kiên Giang giảm mạnh nhất trong số các tỉnh phía Nam được khảo sát, giảm đến 25% so với quí trước. Trong khi, các tỉnh giảm mạnh tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An chỉ có mức giảm lần lượt là 7% và 3%.
Quí III, mức độ quan tâm đến loại hình đất nền tại Kiên Giang giảm đến 25% so với quí trước. (Nguồn: batdongsan.com.vn)
Trao đổi với PV, ông Đức, một lãnh đạo doanh nghiệp môi giới, kinh doanh BĐS Phú Quốc cho biết: "Thị trường địa ốc tại đây vẫn tiếp tục duy trì tình trạng "nguội lạnh" như giai đoạn trước đó nhiều tháng".
So với thời kì "sốt đất" đỉnh điểm hồi cuối năm 2017 – đầu năm 2018, thì hiện tại số lượng văn phòng môi giới cũng như số lượng giao dịch BĐS trên địa bàn đều giảm đến khoảng 80%.
Những văn phòng môi giới đất đai còn trụ lại chỉ hoạt động cầm chừng, những giao dịch đất đai được thực hiện trong thời gian này cũng chỉ là các lô đất thổ cư nhỏ lẻ, đã có đủ giấy tờ. Những chủ đất này chấp nhận bán cắt lỗ với giá thấp hơn mức giá họ mua vào.
Ông Đức thông tin, ở nhiều nơi tại Phú Quốc, giá đất vẫn không hề giảm dù lượng giao dịch của thị trường đã đi xuống. Hiện có không ít người đã mua đất ở Phú Quốc từ trước khi Quốc hội họp bàn về việc thông qua đặc khu lần đầu và vẫn đang "ôm" đất sau gần 2 năm chưa có kết quả.
Ham lãi lớn, nhiều người trong số này thậm chí đã vay cả tín dụng đen để gom đất. Nói đến đầu tư đất Phú Quốc, bên cạnh những trường hợp lãi đến hàng tỉ đồng trong thời gian ngắn, thì cũng có những người bị vỡ nợ, trắng tay cũng vì đất.
"Thời gian gần đây tôi tạm thời bớt hoạt động tại thị trường Phú Quốc mà chuyển qua các thị trường tỉnh như Quảng Trị, Huế. Văn phòng công ty tại Phú Quốc vẫn mở cửa, duy trì hoạt động nếu có khách hàng đến kí gửi hoặc tìm hiểu thông tin mua đất, nhưng thực tế trong giai đoạn này, việc kinh doanh tại thị trường tỉnh lẻ có chiều hướng tốt hơn.
Các nhà đầu tư cá nhân tại Phú Quốc vẫn đang chờ đợi và hi vọng vào những chỉ đạo, chính sách có tính đột phá, kích thích thị trường hơn nữa từ phía cơ quan chức năng để cải thiện tình hình hiện tại", lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.
Vì đâu BĐS Phú Quốc "nguội lạnh"?
Trả lời PV, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc của Batdongsan .com.vn nhận định, Phú Quốc từng được định hướng chủ trương qui hoạch thành đặc khu, nhưng sau đó lại tạm hoãn việc thông qua qui hoạch này.
"Trước khi sụt giảm về lượng giao dịch đầu tư như hiện nay thì tại Phú Quốc đã diễn ra khá nhiều giao dịch BĐS, lượng tiền tồn tại thị trường này đang khá lớn với mức giá khá cao. Vì vậy, việc Phú Quốc đang sụt giảm giao dịch là điều dễ hiểu khi thị trường đang chờ đợi những diễn biến mới tiếp theo.
Trong ngắn hạn, do lượng đầu tư trước đó rất lớn nên các nhà đầu tư không thể thoát hàng ngay được do vốn họ đã đầu tư vào quá lớn. Thị trường trong ngắn hạn tạm thời sẽ không thể sôi động lại được, trừ khi có những chính sách rõ ràng hơn", ông Quốc Anh đánh giá.
Nói về nguyên nhân thị trường BĐS Phú Quốc vẫn "ảm đạm", lãnh đạo Batdongsan .com.vn cho rằng do trước đó nguồn tiền đổ vào đây quá lớn nên đến nay tạm chững lại. (Ảnh: Hiếu Quân)
Dù vậy, về lâu dài, lãnh đạo Batdongsan .com.vn vẫn đánh giá đây là thị trường rất tốt để đầu tư.
Bởi theo ông, những khu vực được định hướng qui hoạch thành các khu kinh tế đặc biệt đều có những đặc điểm ưu thế về kinh tế, chính trị… để phát triển. Vì vậy, dù không có các chính sách ưu đãi thì Phú Quốc vẫn có những tiềm năng để thu hút và đẩy mạnh đầu tư.
Với các chủ đầu tư lớn là các doanh nghiệp, họ thường đầu tư dài hạn. Tại Phú Quốc có nhiều chủ đầu tư đổ vào lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng, đây là thị trường tuyệt vời để hút khách du lịch.
"Nhưng với những nhà đầu tư trong phân khúc đất nền, căn hộ thì phải chờ đợi giai đoạn khác để giao dịch, chứ giai đoạn này thị trường không thể tránh khỏi tình trạng trầm lắng được", ông Quốc Anh nói thêm.
Cùng nói về tình trạng ảm đạm của thị trường địa ốc Phú Quốc hiện tại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) lại cho rằng, nguyên nhân là bởi giá đất ở Phú Quốc đã bị thổi thành "bong bóng" trong một thời gian dài.
Ông phân tích: Đối với các nhà đầu cơ cá nhân, thời gian vừa rồi họ đã nhận được bài học khi mà ôm đất nhưng suốt thời gian dài không thanh khoản được, nhiều người chấp nhận bán cắt lỗ để hòa vốn. Các nhà đầu tư cá nhân này đã bị tổn thương trong thời gian qua, và thị trường hiện nay cũng cần sự ổn định để phát triển trong tương lai.
Lãnh đạo HoREA đánh giá, việc thị trường Bất động sản thường trồi sụt theo thông tin qui hoạch, chỉ đạo vĩ mô, là bởi thị trường địa ốc Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, chưa thực sự trưởng thành nên còn tồn tại tình trạng đầu tư theo kiểu đầu cơ, bầy đàn.
Thực trạng này làm vỡ mặt bằng giá và giảm khả năng thu hút các nhà đầu tư lớn, khiến chỉ một số nhà đầu tư cá nhân hưởng lợi, còn thị trường chung bị rơi vào tình trạng thiếu minh bạch, giảm sức cạnh tranh quốc gia so với các nước khác.
"Tại các thị trường ở ngoại thành TP HCM như Cần Giờ, Cát Lái hay vùng ven như Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh (Đồng Nai), giá đất liên tục bị ảnh hưởng bởi những thông tin chỉ đạo vĩ mô hay chủ trương xây dựng công trình hạ tầng lớn.
Nguyên nhân bởi nhu cầu ở thực tại những khu vực này quá cao, tính thanh khoản vì vậy cũng rất cao. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà đất tại Phú Quốc chủ yếu là để đầu tư nên các nhà đầu tư sẽ không mạnh dạn rót tiền bằng", ông Châu lí giải về việc thị trường Phú Quốc hiện tại vẫn bình lặng trước chỉ đạo mới của Thủ tướng.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng