Tổng quan thị trường bất động sản từ đầu năm 2022 đến nay

10/11/2022 - 15:15
|

Thị trường bất động sản đang còn gặp nhiều khó khăn khiến ngành đang rơi vào tình trạng "chững lại" trong quý 3/2022

Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng và Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có cái nhìn tổng quan về thị trường trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022.

Theo đó, trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định, không rơi vào trạng thái đóng băng mà chỉ suy giảm ở một số chỉ số.

Bước sang năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Chương trình cũng đang được triển khai đồng bộ giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Còn về ngành bất động sản, trong 9 tháng vừa qua thị trường còn gặp phải nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cũng như nguồn cung.

Nguồn cung "hạn hẹp"

Hiện nay trên thị trường, số lượng các dự án nhà ở thương mại được chấp thuận và hoàn thành còn đang khá hạn chế, cụ thể:

- Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành tính đến nay là 63 dự án với gần 15 nghìn căn chỉ bằng khoảng 50,4% so với cùng kỳ năm 2021.

- Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là hơn 1 nghìn dự án với hơn 303 nghìn căn bằng khoảng 156,7% so với cùng kỳ.

- Số lượng dự án được chấp thuận là 104 dự án với gần 50 nghìn căn bằng khoảng 51% so với cùng kỳ năm 2021.

- Số lượng dự án được đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai là 193 dự án với hơn 56 nghìn căn bằng khoảng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng giao dịch trong 9 tháng năm 2022

Còn về phân khúc nhà ở xã hội, cả nước đã hoàn thành 30 dự án dành cho người thu nhập thấp với quy mô hơn 5 nghìn căn hộ. Đồng thời, cả nước đã xây dựng thành công 5 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô 8.700 căn hộ.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận có 139.350 giao dịch, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 250% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, đến quý 3/2022, thị trường đã có dấu hiệu chững lại và giảm mạnh. cả nước chỉ có 51.003 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 73,8% so với quý trước. Lượng giao dịch đất nền Quý 3/2022 đạt 115.129 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 54% so với Quý trước.

Giá chung cư vẫn ở mức cao

Tính từ thời điểm cuối quý 2/2022, giá của các dự án, các căn hộ chung cư vẫn đang ở mức cao, chỉ có số ít dự án có chương trình giảm giá nhằm tăng tính thanh khoản.

Hiện các căn hộ tại các dự án ở khu đô thị sẽ có giá giao động từ 25-30 triệu đồng/m2. Gần như rất khó để khách hàng có thể tìm thấy các căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại những khu vực trung tâm của đô thị. Nếu như khách hàng vẫn muốn tìm đến những căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 thì họ sẽ phải tìm đến số ít những dự án nằm ở phía ngoài của các khu đô thị.

Đứng thứ 2 trong danh sách nhận nguồn vốn FDI

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9/2022, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký (tính đến 20/6/2022 là trên 3,15 tỷ USD).

Tình hình doanh nghiệp bất động sản trong 9 tháng năm 2022

Hiện các doanh nghiệp bất động sản đã dần phục hồi so với thời điểm năm 2021. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn, cụ thể:

- Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án; đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.

- Với việc kiểm soát chặt chẽ của thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

- Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng
tăng, dẫn đến cho phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO).

- Một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Nguồn | nguoiquansat.vn