Trưởng phòng Quản lý bất động sản: ‘Tôi chưa nhìn thấy sổ đỏ nào của condotel’

11/08/2017 - 08:37
|

(VNF) – Tại tọa đàm “Thị trường condotel và nỗi lo thừa cung” tổ chức chiều 10/8, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng Quản lý bất động sản (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Tôi chưa nhìn thấy quyển sổ đỏ nào của condotel. Ai có thì cho tôi mượn. Tổng cục Quản lý đất đai cũng nói chưa nhìn thấy sổ đỏ (condotel) bao giờ”.

Cơ sở pháp lý của condotel vẫn đang hết sức chông chênh

Sắp tới cơ sở pháp lý của condotel sẽ yên ổn?

Theo ông Thường, condotel là một loại hình bất động sản mới, chưa có các quy định pháp luật cụ thể. Nếu đúng như trước kia, chúng là loại khách sạn cho thuê, nhưng do các nhà đầu tư muốn chia sẻ lợi nhuận, huy động vốn trong dân nên sinh ra chuyện mua bán.

“Luật Kinh doanh bất động sản đã có quy định đối với các công trình hỗn hợp, diện tích nào được bán và được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, khi sang bên phía Tài nguyên Môi trường thì lại vướng chuyện sử dụng đất. Luật Đất đai quy định chỉ có 2 loại đất: sử dụng lâu dài và sử dụng có thời hạn. Tôi đã từng nói, tôi chưa nhìn thấy sổ đỏ nào của condotel, còn ai có cái gì thì cho tôi mượn. Chúng tôi cũng muốn biết các địa phương làm như thế nào. Tổng cục Quản lý Đất đai cũng nói chưa nhìn thấy sổ đỏ bao giờ”, ông Thường nói.

Ông Phạm Văn Thường tại buổi tọa đàm

Vị Trưởng phòng Quản lý bất động sản của Bộ Xây dựng cũng cho biết, sau khi các Hiệp hội bất động sản có kiến nghị về chuyện kinh doanh condotel, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho 3 Bộ.

Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm soạn thảo và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về condotel. Bộ Tài nguyên Môi trường được giao nhiệm vụ quản lý sử dụng đất và kinh doanh tài sản trên đất còn Bộ Tài chính nghiên cứu về tài chính đất đai đối với condotel.

“Tới đây các Bộ sẽ phối hợp với nhau để làm theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. Tôi nghĩ sắp tới cơ sở pháp lý của condotel sẽ yên ổn”.

“Nếu tôi là dân, tôi cũng lo ngại”

Chia sẻ thêm về tính rủi ro trong đầu tư condotel, ông Thường cho biết gần đây Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã tổ chức một số đoàn làm việc với các địa phương có dự án condotel. Mục đích là để nghe xem các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả đầu tư như thế nào, vấn đề pháp lý ra sao…

“Nói đến lo ngại của người dân, tôi nghĩ nếu tôi là dân tôi cũng lo ngại. Bởi nếu đầu tư bất động sản mà chỉ trông mong vào cam kết của chủ đầu tư thì… Tôi không đánh giá sự cam kết đó là không chắc chắn nhưng nó phụ thuôc vào rất nhiều yếu tố để có thể thực hiện cam kết”.

“Nó cũng như chuyện bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai, dù đã có quy định nhưng các chủ đầu tư vẫn rất ít thực hiện nghiêm túc, vì nhiều lý do. Khách hàng luôn yếu thế hơn chủ đầu tư, ngay cả trong chuyện kí hợp đồng. Hợp đồng là do chủ đầu tư soạn, khách hàng chỉ kí chứ có được thảo luận đâu. Hiện nay các chủ đầu tư có xu hướng cam kết rất mạnh (8 -10%/năm) nhưng sau 10 năm thì sao…”, ông Thường đặt câu hỏi.

Giới chủ đầu tư “phản pháo”

Phát biểu tại tọa đàm, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết giao dịch condotel trong năm 2016 là 12.000 căn, dự báo trong 3 năm nữa sẽ lên 17.000 căn. Nguồn cầu rộng mở nhưng số chủ đầu tư có năng lực phát triển condotel thì lại không nhiều.

“Chúng tôi chưa thấy có vấn đề gì về condotel. Với tốc độ tăng trưởng khách du lịch như các năm qua thì số lượng condotel vẫn chưa là nhiều”, bà Dung nói.

Bà Hương Trần Kiều Dung

Về góc độ cam kết lợi nhuận, bà Dung cho biết Tập đoàn FLC đã có những tính toán. Chỉ cần tỷ lệ lấp đầy đạt 45 – 50% thì đã đảm bảo cam kết lợi nhuận 10%/năm. Nếu tỷ lệ này là 60% thì tỷ lệ lợi nhuận chung là 15,6%, tức là chủ đầu tư có lãi.

“Thực tế các dự án của FLC mùa cao điểm luôn có tỷ lệ lấp đầy đạt 99%, mùa thấp điểm cũng đạt 60 - 70%. Tỷ lệ 45 – 50% là không khó. Vì vậy chuyện đáp ứng cam kết lợi nhuận đối với khách hàng chúng tôi hoàn toàn tự tin”.

Nói về viễn cảnh sau 10 năm cam kết lợi nhuận, bà Dung cho biết các chủ đầu tư vẫn có phương án ăn chia tỷ lệ 85:15 với khách hàng. Ngoài ra, thực tế cho thấy các khách sạn vẫn vận hành tốt sau 10 năm, đây là cơ sở để dự đoán hoạt động của condotel.

“Giả sử chủ đầu tư có phá sản đi chăng nữa thì 100% khu nghỉ dưỡng đó sẽ được chuyển sang các chủ đầu tư khác, các cam kết với khách hàng vẫn được giữ nguyên. Nên nhớ chủ đầu tư có thể phá sản chứ dự án thì không thể phá sản. Khách hàng vẫn được bảo lưu quyền sở hữu tài sản. Thế giới đã làm như vậy và tôi tin Việt Nam cũng như vậy”, bà Dung khẳng định.

Theo Đầu tư Tài Chính Việt Nam