Vì sao ở châu Á hầu hết tỉ phú giàu lên nhờ bất động sản?
Ngành kinh doanh này áp đảo tất cả các lĩnh vực khác trong khả năng “sinh sôi” tỷ phú tại châu Á trong nhiều năm liên tiếp.
Theo tạp chí Forbes, trong danh sách các tỷ phú giàu nhất châu Á năm 2016, bất động sản đóng góp tới 17% tổng tài sản của các tỷ phú này, bỏ khá xa lĩnh vực xếp hạng hai là sản xuất (14%), công nghệ (12%) và thời trang/bán lẻ (9%).
Còn theo bảng chỉ số 500 tỷ phú được cập nhật thời gian thực của Bloomberg (Bloomberg Billionaire Index), tính đến thời điểm 20.3.2017, có tới 41 người giàu nhất thế giới đang là các tỷ phú bất động sản.
Giàu nhất trong số này chính là Wang Jinlin, vị trí 21 với tài sản hơn 31,4 tỷ USD. Ông Jinlin cũng chính là người giàu nhất Trung Quốc.
Trong số 20 tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới, 10 người đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (6 từ Hồng Kông, 2 từ Trung Quốc, Malaysia và Singapore mỗi nước đóng góp một người). 5 người còn lại đến từ Mỹ và 4 đến từ châu Âu.
Không chỉ nhiều mà còn "khủng”
Sự vượt trội cả về số lượng lẫn quy mô tài sản của các tỷ phú bất động sản có thể nhìn thấy rõ ở đa số các quốc gia châu Á.
Đơn cử như tại Hồng Kông, chỉ số Bloomberg Billionaire Index cho thấy có tới 9/10 nhà tài phiệt giàu nhất đều kinh doanh bất động sản. Li Ka-shing và Lee Shau Kee, hai gương mặt nổi bật nhất trong làng bất động sản Hồng Kông đều nằm trong Top 40 những người giàu nhất thế giới, với khối tài sản lên tới hàng chục tỷ USD.
Tương tự, tại Malaysia, bất động sản luôn luôn vượt lên tất cả các ngành khác trong bảng xếp hạng những lĩnh vực đầu tư được ưa chuộng nhất. Ngành kinh doanh này cũng đóng góp tới 10/50 tỷ phú giàu nhất Malaysia trong bảng xếp hạng tỷ phú năm 2017 vừa được Forbes công bố đầu tháng 3.
"Năm này qua năm khác, người Malaysia tiếp tục lựa chọn bất động sản như là kênh bảo toàn và tăng trưởng tài sản tối ưu nhất”, ông Sarkunan Subramaniam, giám đốc Knight Frank Malaysia nhận xét.
Một khảo sát mới đây với giới siêu giàu nước này cho thấy, 39% những cá nhân thuộc tầng lớp thu nhập cao nhất Malaysia có kế hoạch đầu tư bất động sản trong năm 2016, cao nhất thế giới.
"Địa ốc có tỷ lệ sinh lời cao trong suốt 10 năm qua và sẽ còn tiếp tục làm được điều đó trong ít nhất 10 năm tới”, ông Subramaniam nói thêm.
Forbes bình luận, có vẻ như quan điểm đầu tư của các tỷ phú châu Á có khá nhiều điểm tương đồng với giới tỷ phú Mỹ. Trên thực tế, những nhà tài phiệt có chung lĩnh vực kinh doanh với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều thứ 5 về số lượng và đóng góp tới 7% tổng tài sản các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ.
Khi công bố danh sách những tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới 2016, Forbes từng nhấn mạnh bất chấp sự biến động liên tục của các thị trường tài chính toàn cầu, giới tài phiệt bất động sản vẫn ngược sóng thành công.
Trên thực tế, tài sản của họ còn tăng lên đáng kể khi 23 người lần đầu góp mặt trong danh sách Tỷ phú thường niên của Forbes nhờ bất động sản, nâng tổng số tỷ phú bất động sản trong danh sách lên con số kỷ lục 184 người.
Riêng mình châu Á đóng góp tới 99 tỷ phú bất động sản, với 42 trong đó đến từ Trung Quốc, 25 người từ Hồng Koong, 7 từ Ấn Độ và 6 từ Singapore.
Mỹ, với 44 tỷ phú bất động sản, cũng là quốc gia có nhiều nhà tài phiệt đi lên từ địa ốc hơn bất cứ nước nào khác.
Kênh làm giàu yêu thích
Lý giải cho sự "say mê” của giới kinh doanh châu Á dành cho bất động sản, Chris Yeh, một học giả Harvard cho rằng đầu tư bất động sản đòi hỏi vốn, sự kiên nhẫn và tính căn cơ, rất phù hợp với nhiều nền văn hóa châu Á.
Trong báo cáo mới công bố của tổ chức nghiên cứu Knight Frank về đầu tư và bất động sản toàn cầu trong năm 2016, số lượng người siêu giàu tại châu Á đang tăng rất nhanh, và kênh tài sản được giới này ưa chuộng nhất chính là bất động sản.
Báo cáo này được Knight Frank xây dựng dựa trên cơ sở khảo sát mạng lưới những cá nhân "siêu giàu” (UHNWI), với tài sản ròng tối thiểu 30 triệu USD trở lên. Ngoài ra, tổ chức nghiên cứu này cũng khảo sát hơn 900 ngân hàng tư nhân hàng và cố vấn quản lý tài sản hàng đầu thế giới.
"Bất động sản tiếp tục là thị trường được dự đoán có sức tăng trưởng mạnh tại châu Á trong những năm tới, do địa ốc tiếp tục là kênh tài sản được ưa thích của cả giới siêu giàu lẫn tầng lớp trung lưu trở lên”, Knight Frank nhận định.
Một cuộc khảo sát gần đây với giới trẻ châu Á cũng cho thấy, dù lối sống của họ thay đổi nhiều so với thế hệ ông cha, nhưng quan điểm về đầu tư lâu dài vẫn giống hệt. Theo đó, họ vẫn thích đầu tư bất động sản và sở hữu tiền mặt.
Một điểm thú vị nữa khi phân tích các tỷ phú bất động sản châu Á, theo Bloomberg, chính là bất chấp điều kiện kinh doanh ngày càng không thuận lợi (Thị trường bất động sản tại nhiều nước đã bị siết chặt quản lý, đặc biệt là về giá (như Hồng Kông, Trung Quốc) hoặc giá nhà đã quá cao (Singapore) – PV), tài sản của họ không những không suy suyển mà còn… giàu hơn.
Tại sao lại như vậy?
Theo Bloomberg, đó là vì họ vẫn luôn nhìn ra được cơ hội mới. Dù cho nền kinh tế có tăng trưởng chững lại, thì các nền văn hóa châu Á vẫn có một sự ưu ái đặc biệt dành cho bất động sản.
Một lý do quan trọng khiến thị trường bất động sản Hồng Kông tiếp tục sôi động đó là do các căn hộ mới ra mắt vẫn thu hút được người mua nhờ chính sách giảm giá và hoàn tiền hấp dẫn, nhờ đó mà doanh thu ổn định. Các đợt mở bán chung cư/căn hộ mới thường xuyên thu hút đông đảo khách hàng và thậm chí cháy hàng đã trở thành hiện tượng bình thường.
Còn theo Forbes, nhiều tỷ phú bất động sản châu Á lại tìm thấy thành công nhờ các dự án bất động sản thương mại hơn là nhà ở.
"Phân khúc văn phòng cho thuê, khách sạn đóng góp tới quá nửa mức tăng trưởng”, Forbes cho hay. Giá thuê văn phòng liên tục tăng, nhất là khi xu hướng khởi nghiệp tại châu Á nóng lên.
Còn tại Trung Quốc, thu nhập của người dân đang tăng trưởng nhanh hơn giá nhà. Triển vọng lạc quan này hứa hẹn các tỷ phú bất động sản nước này sẽ còn góp mặt trong danh sách của Forbes trong một thời gian dài nữa.
Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư mạnh ra các dự án bất động sản nước ngoài cũng đang giúp cho giới tỷ phú châu Á giàu lên nhanh chóng. Úc, Anh, Mỹ…. đang là những lựa chọn "hot” hiện nay, dù đầu tư địa ốc ra nước ngoài đòi hỏi tiềm lực lớn và tầm nhìn đặc biệt dài hạn, toàn diện cùng khả năng quản trị rủi ro xuất sắc.
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp