Vỡ nợ vì Địa ốc Alibaba và những câu chuyện đau lòng chưa từng tiết lộ
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết trong hơn 7.000 khách hàng của Công ty Địa ốc Alibaba có không ít người phải tìm đến con đường cùng là cái chết vì ngập ngụa trong nợ nần.
Có lẽ chưa bao giờ thị trường bất động sản lại phải đối mặt với cơn khủng hoảng của nhà đầu tư khủng khiếp như trong thời điểm Địa ốc Alibaba bị phanh phui về những mánh khóe lừa đảo hàng ngàn người với số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng.
Tháng 9/2019, hơn 2.000 khách hàng đã tìm trụ sở Công an Tp.HCM trình báo về số tiền bị mất. Trên thực tế, có hơn 7.000 người đã rơi vào bẫy của công ty “ma” này. Nguyên nhân của việc lún sâu và các dự án bánh vẽ của Địa ốc Alibaba, theo giải thích của nhiều nhà đầu tư là do họ còn mơ hồ về pháp lý khi mới tập tành đi kinh doanh bất động sản. Nhiều người chỉ thấy Địa ốc Alibaba đưa các giấy tờ có dấu đỏ là tin tưởng lao theo.
Bên cạnh đó, một trong những lý do chính là vì họ ham mức lợi khuẩn khủng được Địa ốc Alibaba hứa trả theo quý, hoặc theo năm lên đến 28%. Điều đáng nói là trong số đó có một số người đã từng ngờ vực về mức lợi nhuận này của Địa ốc Alibaba nhưng không thể thoát ra khỏi ma hồn trận trong những buổi diễn thuyết hùng hồn của CEO Nguyễn Thái Luyện, và rồi bất chấp lao vào các dự án ma này với số tiền được trao cho chủ đầu tư vào khoảng 300 triệu đến 3 tỷ đồng.
Thậm chí, nhiều người đầu tư đến cả chục lô đất nhưng lại dùng khoản tiền vay mượn, tiền thế chấp tài sản, cầm cố nhà, thậm chí là tiền vay lãi nóng… nên khi xảy ra chuyện thì không có nơi bấu víu. Bất lực với khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng khi Địa ốc Alibaba bị phơi bày, hàng trăm gia đình rơi vào cảnh bơ vơ, giả cảnh tan tành, vợ chồng lục đục đòi bỏ nhau. Thậm chí nhiều người chán nản đã tìm đến cái chết để thoát khỏi nợ nần.
Đau lòng nhất là vào ngày 22/12 vừa qua, vụ việc một người đàn ông nổ súng tự sát ở bệnh viện Trưng Vương được nhận định là có liên quan đến vụ án Địa ốc Alibaba rúng động dư luận. Theo đó, gia đình nạn nhân cho biết trước đó ông này đầu tư khoảng 3 tỷ đồng vào các dự án của Địa ốc Alibaba ở Vũng Tàu. Sau khi vỡ nợ, người đàn ông tuyệt vọng dẫn đến trầm cảm, trước đó ông đã uống 100 viên thuốc ngủ để tự tử nhưng bất thành. Sau khi được người thân đưa vào viện cấp cứu thì nạn nhân của Địa ốc Alibaba đã dùng súng để kết thúc cuộc sống.
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trên thực tế đã có 1 số vụ tự tử khác liên quan đến Địa ốc Alibaba tương tự người đàn ông trên nhưng đã được gia đình cấp cứu kịp thời. Từ việc vỡ nợ khi đầu tư vào những dự án không có thật, hàng trăm người đã rơi vào cảnh bần cùng, nợ nần chồng chất. Nhiều người đi vay nóng bị các chủ nợ đến siết nhà cửa, đất đai… và đe dọa tính mạng khiến cuộc sống rơi vào bế tắc.
Chị Lê Thị V., một nhà đầu tư ở Đồng Nai cho biết nhiều tháng nay chị liên tục tìm đến cơ quan công an trình báo về khoản tiền bị mất khoảng 1,7 tỷ đồng nhưng vẫn đợi chờ trong vô vọng. Khoản tiền 1 tỷ 7 mà chị V. đầu tư cho Alibaba là tiền tích cóp trong vòng 10 năm vợ chị V. đi làm nghề buôn bán trái cây ở chợ.
Vào khoảng tháng 8/2017, chị V. cùng một số người cùng làng đi đầu tư theo Địa ốc Alibaba, sau đó được công ty này trả lợi nhuận khoảng vài lần với số tiền mỗi lần 100 triệu đồng. Thấy béo bở, chị V. đang tính vay mượn để đầu tư thêm thì đến tháng 9/2019 Alibaba sụp đổ. Thậm chí, ban đầu chị V. vẫn còn tin rằng Alibaba có thế lực chống lưng nên sẽ nhanh chóng quay lại thị trường.
“Vợ chồng tôi mệt mỏi, nhiều tháng nay không thiết tha làm ăn. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp đổ vào đó hết rồi. Giờ có cần cù, đi làm bao nhiêu thì cũng không lại số tiền đã mất. Tôi đã nhiều lần hỏi phía công an nhưng họ nói rất khó để đòi lại. Thời gian họ nghiên cứu vụ án rồi đưa ra xét xử rất lâu, có khi cả vài năm. Tôi thì có thể chấp nhận mất nhưng chồng tôi anh ấy tiếc tiền nên cứ rượu chè suốt ngày”, chị V. thở dài ngao ngán.
Theo Nhịp sống Kinh tế